Non nước Việt Nam

Hát thờ trong sinh hoạt Quan họ làng Diềm (Bắc Ninh)

Cập nhật: 01/11/2011 09:26:29
Số lần đọc: 1865
Ở làng Quan họ Viêm Xá (Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) hiện nay vẫn lưu giữ và phát huy hình thức hát Quan họ thờ. Đây là một nét đẹp tinh tế, thể hiện đậm nét nhất tín ngưỡng tâm linh của người chơi Quan ho làng Diềm…

Các nghệ nhân Quan họ trong làng kể: Hát Quan họ thờ (gọi là hát thờ) xuất phát từ tấm lòng của người dân làng Viêm Xá đối với các vị thánh thần và Vua Bà Thủy tổ Quan họ. Vì thế mà lễ hội đền Vua bà trở thành lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của làng. Hàng năm, cứ đến ngày 6-2 (Âm lịch), dân làng lại tổ chức hội để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn Vua Bà. Một trong những nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội làng là cùng Quan họ bạn hát thờ.

Hát thờ ở làng Diềm chỉ diễn ra vào 2 dịp trong năm: Hát ở Đền Vua bà Thủy tổ Quan họ ngày mùng 5, 6-2 (Âm lịch) và ở đình làng vào ngày 6-8 (Âm lịch) hàng năm. Hát thờ thực chất là hình thức Quan họ tham gia vào phần lễ trong những ngày lễ hội, là nghi thức hát đầu tiên mỗi khi làng mở hội, đón Quan họ bạn sang chơi.

Mỗi năm đến hội đền hay đình, Quan họ kết bạn với Quan họ Diềm lại được mời sang làng chơi hội thì nghi thức trước tiên là hát thờ ở trong đình hoặc trong đền. Hát thờ chính là hát chúc, hát mừng cầu phúc tại đình, đền khi Quan họ mới gặp gỡ nhau, thay thế những lời chúc tốt đẹp trong cuộc sống. Trong hát thờ, lề lối quy định là: Sau khi đón bạn lên chơi, Quan họ làng Diềm đưa bạn vào đình hoặc đền, đôi bên cùng thắp nhang làm lễ. Sau đó, nam một bên, nữ một bên ngồi ngoảnh mặt vào nhau hát. Những câu ca trong hát thờ là thay thế cho những lời ca ngợi công đức thần và cầu khẩn phù hộ cho dân làng, mùa màng bội thu... Chẳng hạn như câu La rằng trong hát thờ: “Chúc mừng thượng đẳng tối linh/ Phù trì dân xã hiển vinh, sang giàu/ Trước đình lệ có rồng chầu/ Đôi bên quy phượng tựa màu non hiên/ Trong đình có động bát tiên/ Có hai quan đám có quyền có danh/ Chúc mừng nữ tú, nam thanh/ Chúc mừng 9 xóm lối danh thọ bày…” 

Hát thờ tuân theo nguyên tắc “tiền chủ hậu khách”, ngoài giọng La rằng còn có các giọng lề lối cơ bản khác như Tình tang, Cái ả, Bạn kim lan, Cây gạo. Sau khi cùng Quan họ bạn hát thờ ở trong đình hoặc trong đền, Quan họ làng dẫn Quan họ bạn đi chơi hội hoặc đón nhau vào nhà chứa, bắt đầu những canh hát thâu đêm…

Trong Quan họ còn có hình thức hát đặc biệt: Quan họ cầu đảo. Đây là hình thức hát Quan họ để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Quan họ cầu đảo vào mùa hè là hình thức ca hát mang tính cộng đồng cao mà chỉ riêng làng Viêm Xá mới có. Trước kia, khi gặp hạn hán, người dân mở cửa đền tế lễ, mời các trai đinh ngày thi đấu vật, tối cướp cầu; các nam thanh nữ tú trong làng lại cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát cầu mưa, ngày này sang ngày khác, đến khi có mưa mới thôi. Tương truyền, sau những ngày tế lễ, mưa khắp các đồng của Viêm Xá. Các xã lân cận thấy thế, những năm sau, mỗi khi làng mở cửa đền là mang hương nhang đến lễ, mưa lại đều khắp vùng. Ngày nay, kinh tế -  xã hội đã phát triển, người dân không còn tổ chức hát Quan họ cầu đảo nữa.

Ở làng Diềm ngày nay, những nét tinh tế, những lề lối cơ bản của hình thức hát thờ vẫn được người Quan họ gìn giữ, duy trì đều đặn. Đây cũng là biểu hiện không gian văn hóa đặc thù của người Quan họ./

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT