Non nước Việt Nam

Tết của người Thái vùng Mường Lò

Cập nhật: 26/10/2011 15:27:51
Số lần đọc: 2003
Xuân về, cây cối cỏ hoa đâm chồi nảy lộc, tiết trời se lạnh hơn, nhưng lòng người thì đều ấm áp khi đón mùa xuân mới. Cùng với các dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Dao, Khơ Mú, Mông... người Thái ở vùng Mường Lò, Văn Chấn - Nghĩa Lộ cùng chung vui đón tết cổ truyền của dân tộc với bản sắc văn hoá độc đáo của mình.

Để chuẩn bị đón xuân mới, vui tết cổ truyền, từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, đồng bào Thái đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp để dành. Hộ nào khá giả thì chuẩn bị một con lợn từ sáu, bảy chục cân và hai chục kg gạo nếp. Hộ trung bình thì 2 - 3 hộ chung nhau thịt một con để ăn tết, còn gạo nếp để gói bánh cũng phải có 5 - 7 kg. Bắt đầu từ ngày 24 - 25 tháng 12 âm lịch là đồng bào chuẩn bị lá gói bánh, hương hoa, rượu, mứt và 2 cây mía (để cả ngọn và lá) dựng ở hai bên bàn thờ... để cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết. Thông thường thì vào ngày 29 âm lịch là đồng bào Thái mổ lợn ăn tết, vui đón xuân mới. Tết của người Thái có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh kha, rượu, mứt tết...

 

Bánh chưng của đồng bào Thái có nét khác với bánh chưng của người Tày. Bánh chưng của người Thái là bánh ống (bánh tròn đều), còn bánh chưng của người Tày thì gói một mặt hơi dẹt. Còn bánh kha thì làm bằng bột gạo nếp nhào nước trộn đều cho bột dẻo, sau đó cho đỗ và thịt gà hoặc thịt lợn vào làm nhân. Hôm mổ lợn ăn tết, nhà nào cũng làm vài mâm mời anh em, họ hàng, thông gia, con cháu. Trước khi mời khách ăn tết, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết, cầu xin tổ tiên phù hộ sức khoẻ “khoẻ như voi đang độ, khoẻ chắc như sắt đá...”, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đều tốt... Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ không được ăn, mà chỉ bê mâm đã chế biến các món lòng, tiết canh, chả nướng, thịt tái... từ bếp lên mời khách. Cứ như vậy, bữa trưa nhà này mời ăn tết thì bữa tối và hôm sau lại nhà khác mời đến uống rượu ăn tết vui xuân mới.

 

Nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết một số phong tục ăn tết của người Thái: “Sáng ngày 30 tết, người Thái ra trước nhà nhìn vòm trời (khoáng phạ) có sáng không để tiên đoán về năm mới và buổi tối quá 12 giờ đêm khoảng 1 phút là người Thái cùng nhau xuống suối múc nước về cho gia đình ngâm gạo “Au nặm cón luông” (lấy nước trước Rồng). Riêng sáng mồng 1 tết thì người Thái kiêng không đi chúc tết hàng xóm, mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến tết bố mẹ đẻ, ngày mồng 2 đi tết bố mẹ bên vợ, ngày mồng 3 bắt đầu vui chơi cộng đồng. Các trò chơi dân gian như ném còn, Tó mác lẹ, Hạn khuống, hát giao duyên, leo cột mỡ, lễ Xên Mường... được tổ chức rất sôi nổi. Trò chơi ném còn có 3 cách chơi. Cách thứ nhất là chơi còn vòng có đích ở trên cao 20- 30 m, người chơi tung trúng là được thưởng. Chơi còn sai thì một bên là nam, một bên là nữ tung còn cho nhau, bên nào không bắt được là thua cuộc. Chơi còn xổm (chỉ có ở vùng Mường Lò), nam, nữ đứng xen kẽ thành 5 - 6 vòng tròn đồng tâm (tượng trưng sự đoàn kết), ai cũng được cầm quả còn ném cho nhau; nam ném cho nữ, nữ ném cho nam, nếu nam hoặc nữ không bắt được thì bị thua cuộc sẽ bị bên thắng thơm vào má, vỗ vào vai, lưng...

 

Cùng với trò chơi ném còn, các trò chơi khác cũng được tổ chức liên tục trong những ngày tết như Tó mác lẹ, Hạn khuống (dành cho nam, nữ chưa chồng, chưa vợ hát giao duyên). Người Thái tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, se tơ; còn con trai chưa vợ mang khèn, vè, sáo... đến hát xin lên sàn: Con trai hát: “Ở xa trông thấy lửa/ ở xa trông thấy nước/ Trông thấy nước muốn ướm thử nước có sâu không/ Thấy nước trong, anh muốn uống một ngụm/ thấy áo chàm anh muốn mặc thử ...”. Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ. Cũng từ lễ hội mùa xuân này mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau.

 

Đón năm mới, đồng bào Thái vùng Mường Lò cứ ăn tết vui xuân như vậy cho đến ngày 13, 15 tháng giêng thì mở hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất bắt đầu một năm mới với niềm vui và đầy ước vọng.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT