Lào Cai bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Theo kết quả điều tra cơ bản, kho tàng di sản văn hoá các dân tộc Lào Cai bao gồm trên 50 di tích danh thắng, trong đó 26 di tích đã xếp hạng các cấp (quốc gia và tỉnh); hàng trăm lễ hội, trò chơi dân gian, hàng ngàn bài dân ca, điệu múa; 9 loại hình nghề thủ công truyền thống. Hàng trăm sản vật và món ăn đặc sản; hàng trăm phong tục tập quán... là những tinh hóa văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và phát huy nội lực, phấn đấu không ngừng của địa phương, Lào Cai đã có nhiều đổi mới, bứt phá vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng trong công tác bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc. Đặc biệt, việc thực hiện đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010" mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đã tiến hành bảo tồn, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị trên 20 di tích danh thắng; xây dựng được 14 mô hình làng văn hoá du lịch; phục dựng và duy trì tổ chức trên 40 lễ hội từ dân gian đến đương đại khắp các huyện trong tỉnh. Tại các làng văn hoá du lịch, đồng bào các dân tộc đã tích cực phát huy các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: Bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, khôi phục nghề thủ công truyền thống (nghề nấu rượu, chạm khắc bạc, dệt - thêu thổ cẩm, tắm lá thuốc), xây dựng đội văn nghệ dân gian phát huy vốn dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ trang phục; khai thác vốn văn hoá ẩm thực phục vụ khách du lịch, bảo tồn và duy trì hoạt động lễ hội dân gian... Đặc biệt, Lào Cai triển khai thành công dự án tổng kiểm kê và bảo tồn di sản sách cổ người Dao. Hiện đã sưu tầm, thống kê trên 11.000 cuốn sách cổ ở 466 làng người Dao, mở 10 lớp dạy chữ Dao cho hàng trăm thanh niên thuộc 3 nhóm Dao (Dao đỏ, Dao họ, Dao tuyển). Hiệu quả của mô hình thí điểm là đã có 28 lớp do các nghệ nhân dân gian tự mở để truyền dạy. Từ nguồn sưu tầm, dịch thuật trên 200 cuốn sách cổ có nội dung quan trọng, được ngành văn hóa, thể thao và du lịch biên soạn thành 5 cuốn sách gồm: "Truyện thơ người Dao", "Thơ ca người Dao", "Những bài ca giáo lý", "Thơ ca tôn giáo tín ngưỡng người Dao" và "Thơ ca đám cưới người Dao" bằng song ngữ (chữ Quốc ngữ và chữ Dao) với gần 3.000 trang.
Ngoài ra, nhiều sản vật, đặc sản văn hoá ẩm thực của đồng bào dân tộc đã xây dựng được thương hiệu điển hình như: rượu Bản Phố, mận Tam hoa (Bắc Hà), rượu Shan Lùng (Bát Xát); tương ớt, gạo Séng cù, thắng cố ngựa (Mường Khương); dược liệu thuốc, dịch vụ tắm lá thuốc chữa bệnh, su su (Sa Pa)... Nhờ công tác tuyên truyền giới thiệu và quảng bá, các sản vật, đặc sản đã trở thành sản phẩm hàng hoá góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh công tác bảo tồn, việc xây dựng các nhà văn hoá cộng đồng tại các thôn, bản được chú trọng. Hiện toàn tỉnh đã có 678 nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, lập hồ sơ khoa học 38 làng tiêu biểu của 13 dân tộc với 25 nhóm, ngành, khảo sát phong tục tập quán 15 nhóm, ngành với trên 100 phong tục tập quán khác nhau, bảo tồn, khôi phục dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số hàng chục lễ hội tiêu biểu. Phục dựng các nghề thủ công như: rèn đúc, chạm khắc bạc, thêu, dệt thổ cẩm… sản phẩm từ các nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch mới, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân. Xây dựng hàng trăm đội văn nghệ, thể thao ở các thôn, bản, xây dựng 12 mô hình "Làng văn hoá du lịch sinh thái" với mục tiêu "Mỗi dân tộc, mỗi thôn, bản có một vài đặc sản mang dấu ấn tộc người", các sản phẩm như: cây - con, vật dụng truyền thống tại các làng văn hoá du lịch mang thương hiệu gắn với các di sản văn hoá đem lại giá trị kinh tế cao. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", toàn dân bảo vệ và phát triển văn hóa đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.