Đêm hội cồng chiêng các dân tộc thiểu số Đắk Nông
Về dự ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc lần này có hơn 400 nghệ nhân, diễn viên đại diện cho 40 dân tộc anh em thuộc tám đoàn đến từ tám huyện, thị xã trong tỉnh.
Ngay sau lễ khai mạc, giữa đêm trời Tây Nguyên huyền bí, bên ánh lửa bập bùng và trong men rượu cần ngây ngất, các nghệ nhân M’nông, Mạ, Ê đê, Tày, Thái, Dao, Mông… say sưa diễn tấu các bài chiêng cổ đặc sắc của dân tộc mình, như bài chiêng Chinting, bài chiêng Ntoô, bài chiêng Chingutu…
Các nghệ nhân dân tộc M’nông đến từ thị xã Gia Nghĩa đã phục dựng lại lễ hội Yun Jông (lễ kết nghĩa giữa các buôn làng M’nông), một lễ hội truyền thống lâu đời của đồng bào M’nông ở Nam Tây Nguyên càng làm cho không khí đêm hội thêm huyền bí, linh thiêng, náo nức và rộn ràng.
Nghệ nhân K’Bang, ở buôn Bu Kon, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa sau khi tham gia diễn tấu bài chiêng trong lễ hội Yun Jông với các già, tâm sự: “Chưa có lần nào có số lượng già làng, nghệ nhân tham gia diễn tấu đông vui như lễ hội lần này. Mình học tập được nhiều kinh nghiệm hay trong cách diễn tấu của các già làng, nghệ nhân từ bước đi, điệu nhảy đến cách cầm chiêng, đánh chiêng… làm sao cho nhịp chiêng trầm ấm, nhưng vẫn âm vang bay bổng. Điều này rất khó, nhưng sau này trở về buôn làng mình sẽ cố gắng luyện tập và dạy lại cho các thanh thiếu niên trong buôn nhằm bảo tồn những giá trị vô giá của văn hóa cồng chiêng”.
Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc tỉnh Đác Nông năm 2011 diễn ra trong hai ngày 24 và 25/11, với nhiều hoạt động sôi nổi khác như hội thi diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, phục dựng nghi lễ truyền thống, dệt thổ cẩm, thêu hoa văn, đang gùi, đan lát, thi ẩm thực các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc, thi rượu cần ngon và các môn thể thao dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông, ông Tô Đình Tuấn cho biết: Theo định kỳ cứ hai năm được tổ chức một lần ở quy mô cấp tỉnh, đây được xem như đợt tổng kiểm tra toàn tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là bảo tồn và phát huy giá trị vô giá của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, qua đó để điều chỉnh và định hướng trong công tác bảo tồn thời gian tới cho phù hợp.