Văn hóa làng bản của người Mường, Hòa Bình
Người Mường vừa làm ruộng (nà) vừa làm nương rẫy, tập quán cư trú của các cư dân trồng lúa nước là định cư. Tuy nhiên, khi mùa màng liên tiếp thất bát và nương rẫy đã bạc màu, một số ít di cư đến vùng khác để sinh sống và đến một thời điểm thích hợp họ lại trở về ở nơi cũ.
Người Mường sống quần cư thành từng làng bản (làng và bản tương đương nhau theo cách gọi), đơn vị dưới bản là xóm, trên bản là mường. Xóm có khi chỉ năm sáu chục nóc nhà (mỗi nóc nhà là một gia đình). Mường là địa phận của một vùng đất không phân chia theo đơn vị hành chính, cũng không theo tập quán cư trú; có mường rộng bằng vài xã, vài huyện, cũng có nơi rộng bằng một tỉnh.
Bản Mường truyền thống không nằm trên các đường cái lớn mà nhấp nhô, thấp thoáng trong màu xanh bao la của núi rừng. Lối vào bản Mường thường khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, uốn lượn theo thế đất, thế rừng tự nhiên. Các cây cao là dấu hiệu phổ biến của các làng bản người Mường. Học giả J. Quydinê trong tác phẩm Les Mương đã mô tả làng bản của người Mường một cách rất sinh động: Từ một góc rừng nhỏ nhô lên một bụi cau, trong một vùng lá, một mái nhà tranh hiện lên như một khối màu nâu, một chút khói bốc lên không thành từng cột, như những bức màn… nhìn kỹ, ta thấy đó đây độ dày một mái nhà, góc của hai bức vách, bậc một cầu thang, ngừng lại để lắng nghe một lúc ta nghe rõ nhịp chày giã gạo.
Một đặc điểm của làng bản người Mường là về phía tây, cạnh bản có khu nghĩa địa chung của cả bản. Nghĩa địa nằm dưới những tán cây cối um tùm. Mỗi ngôi mộ, tại các vị trí ứng với đầu và chân tay, người ta chôn 5 hòn đá gọi là hòn mồ, trong đó hòn ở đầu to, cao và được chôn chắc chắn nhất.
Mỗi làng bản của người Mường có địa vực cư trú riêng, có phạm vi đất đai canh tác, đất rừng, khúc sông, khe suối riêng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mỗi bản. Quy mô đất đai kể trên to, nhỏ thường phụ thuộc vào hoàn cảnh địa lý của mỗi bản, vào quy mô dân số, số nóc nhà trong bản đó.