Phong tục thờ thần bếp của người Tày, Lào Cai
Chọn ngày lành, tháng tốt, gia chủ tổ chức lễ vào nhà mới. Đến giờ hoàng đạo, chủ nhà rước tổ tiên lên vị trí thờ, thắp hương đôi cắm vào các ống nhang, bày mâm cúng gia tiên. Khi cúng tổ tiên xong, người lập khuôn bếp cắm ba que hương vào hai ống nhang trên và góc trong phía dưới mỗi ống một que hương, còn ba que nữa cắm vào ống góc dưới phía ngoài. Vì khi làm lễ cúng thần bếp thì mời cả thổ công lên cùng hưởng. Mâm cỗ cúng thần bếp là mâm ăn nhưng làm hai tầng (hai mâm chồng lên nhau), mâm trên cúng thần lửa, mâm dưới cúng thần thổ công, trên trốc mâm để một tảng thịt lợn luộc cắt đôi. Khi cúng xong, mâm trên và tảng thịt lợn luộc đưa hai người lập khuôn bếp gói về nhà cho vợ con hưởng, mâm dưới bày ra cho người làm bếp và bốn người nữa vào cùng ăn ngày vào nhà mới.
Theo một số cụ cao niên trong bản Tày, người được chọn lập khuôn bếp phải là đàn ông ngoài 40 tuổi. Ngoài ra, gia đình người này phải có cuộc sống ấm no, hòa thuận và đặc biệt hơn cả là từ trước tới nay nhà chưa từng xảy ra hỏa hoạn, như thế, lập khuôn bếp xong thì gia chủ mới gặp điều may mắn. Lúc vào nhà mới, gia chủ giao cho người lập khuôn bếp cúng thần lửa, nhưng tôn thờ thần lửa trong các dòng họ lại có nét khác nhau. Có họ cúng thần cả vào tết tháng bảy và tết tất niên, cắt giấy đỏ làm ba hình đàn ông và đàn bà dán trên vách bếp, tượng trưng cho thần bếp hai chồng. Có họ chỉ cúng một lần lúc vào nhà mới là xong.
Đồng bào Tày cho rằng, thần lửa mỗi ngày được hai lần hưởng cỗ rồi, vì khi các gia đình nấu ăn, khi thức ăn chín chính là lúc thần bếp được hưởng thức ăn trước người. Vì vậy, không phải làm mâm cỗ cúng nhiều cho rờm rà.