Non nước Việt Nam

Nghề làm hương truyền thống của người Giáy ở Lào Cai

Cập nhật: 29/11/2011 09:52:34
Số lần đọc: 1844
Trong các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Giáy, hương là một lễ vật không thể thiếu. Người Giáy hầu như chỉ dùng những nén hương do chính người dân tộc mình làm ra, đặc biệt là loại hương được làm bởi những người già.

Theo quan niệm của họ, những đồ dâng lên bậc tổ tiên phải là đồ thanh sạch và những người già là người sạch sẽ. Cây hương người Giáy cũng giống như cây hương người Kinh, nhưng to hơn, có màu vàng nâu của vỏ hương và màu đỏ tươi của cán hương. Chiều dài nén hương khoảng 40cm, có hai phần chính là cán hương và bao bên ngoài là vỏ hương. Cán hương làm từ cây tre hoặc cây mai bỏ phần cật và ruột, sau đó đem chẻ nhỏ, phơi nắng cho thật khô. Vỏ hương được làm từ vỏ của cây kháo làm hương và vỏ của một loại cây leo dại mọc trên rừng già trộn lẫn với nhau.

 

Cách làm loại bột này như sau: Đối với cây kháo, là loại cây to nên chỉ cần dóc lấy vỏ. Còn cây leo dại là loại cây thân leo được mang đi đập dập, bỏ ruột lấy vỏ. Vỏ cây sau khi lấy trên rừng về đem phơi thật khô rồi giã mịn. Nếu trời nắng to thì chỉ cần phơi khoảng 3 - 4 ngày, còn nếu nắng nhỏ phải phơi cả tuần. Sau đó vỏ được mang đi giã nát từng loại một bằng cối đá. Sau khi giã hai loại vỏ này thành thứ bột thật mịn, thì họ mang đi sàng lọc kỹ lưỡng bằng những chiếc sàng nhỡ. (Khoảng hơn chục năm trở lại đây, có máy nghiền nên người dân chỉ cần mang ra nghiền chứ không phải giã tay vất vả như trước nữa). Sau khi đã hoàn thành công đoạn này, họ trộn hai loại bột này với nhau theo tỉ lệ 1 - 3, trong đó cây leo dại là một phần, có tác dụng làm chất keo kết dính, còn cây kháo là ba phần có tác dụng làm chất bột cháy.

 

Công đoạn vất vả nhất là lăn hương vì bột hương rất nhặm. Khi lăn hương, người Giáy dùng cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột đã được trộn sẵn rồi nhúng nhanh vào xô nước mang ra tiếp tục lăn, cứ làm như vậy cho đến khi được một nén hương to gần bằng điếu thuốc lá là được. Sau khi lăn hương xong, họ mang phơi một lần nữa để cho hương thật khô. Thời gian phơi cũng tương đương với thời gian phơi vỏ. Khi hương đã khô thì dùng phẩm đỏ hòa với nước thành dung dịch màu đỏ tươi, rồi nhúng cán hương vào dung dịch đó và hong khô.

 

Hương do người Giáy tự làm không chỉ được dùng trong gia đình mà còn mang đi bán, được mọi người rất ưa chuộng. Khi đem bán, họ thường bó khoảng 50 nén hương thành 1 bó, 2 bó chập vào thành 100 nén với giá bán trung bình từ 15 - 20 nghìn đồng. Khi bán, hương được đặt trong thồ, họ chỉ dùng 1 - 2 bó gác lên miệng thồ và đốt 1 nén làm mẫu để khách hàng biết về chất lượng hương của mình.

 

Nghề làm hương tuy không có giá trị cao về kinh tế, nhưng cũng góp phần tăng thu nhập của gia đình. Đặc biệt hơn là có ý nghĩa rất quan trọng phản ánh trình độ lao động sản xuất, làm phong phú ngành nghề thủ công truyền thống cũng như đời sống tâm linh tộc người Giáy.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT