Thăm nhà công tử Bạc Liêu
Ảnh: Cẩm Nhung |
Ngôi nhà tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, P.3, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) với kiến trúc hiện đại vào thời đó cùng cách bài trí hài hòa, sang trọng đã nói lên được phần nào sự giàu có của gia tộc ông hội đồng Trần Trinh Trạch thời bấy giờ. Được xây dựng năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế nên căn biệt thự nhìn rất Tây. Phần lớn vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí..., đều chở từ Pháp qua. Các ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng nguồn gốc xuất xứ của nó tại thủ đô Paris hoa lệ. Ngoài tên gọi nhà công tử Bạc Liêu, căn biệt thự còn được dân địa phương quen gọi là nhà Lớn.
Tầng trệt nhà Lớn có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và cầu thang dẫn lên lầu. Tầng lầu có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ở hướng đông bắc là phòng ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng công tử Trần Trinh Huy (dân địa phương gọi là Ba Huy). Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ. Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà hội đồng Trạch còn quy tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý hiếm. Các bộ bàn ghế trong nhà đều được khảm xà cừ rất tinh xảo, những chiếc ấm, tách trà được trang trí hoa văn rồng bay, phượng múa rất mềm mại góp phần tô điểm cho ngôi nhà thêm sống động... Ngày nay, những bảo vật đó phần lớn không còn do nhiều nguyên nhân, nhưng hiện hai món đồ quý vẫn được giữ nguyên vẹn ở chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) là giường ngủ và bộ bàn ghế được chạm khắc sắc sảo, kỳ công do cậu Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa.
Cậu Ba Huy rất hào hoa, phong nhã và nức tiếng trong giới ăn chơi ở Sài Gòn thời bấy giờ. Có rất nhiều giai thoại kể về sự hào phóng của Ba Huy, trong đó nổi bật nhất là chuyện Ba Huy đốt tiền thi... nấu chè với công tử Phước (Phước Georges, người xứ Mỹ Tho, con trai Đốc phủ sứ Sảng); bao cả nhà hàng để đãi một... người đẹp; hay đi thăm ruộng bằng máy bay khi mà cả nước Việt Nam lúc đó chỉ có hai người sở hữu máy bay là ông và vua Bảo Đại. Sự kiện này đã làm chấn động Nam kỳ lục tỉnh. Với kiểu xài tiền như lá mít của cậu Ba Huy, chẳng chàng công tử nào sánh kịp nên từ đó thành ngữ “công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Trần Trinh Huy. Nhiều người cho rằng, khi nói đến cụm từ “công tử Bạc Liêu” là nói đến khái niệm ăn chơi vô độ, nhưng dần theo thời gian, cụm từ này đã trở thành một khái niệm mỹ học, tượng trưng cho tính cách hào phóng, rộng rãi của người dân Nam Bộ.
Nếu đi bằng tàu thuyền trên sông Bạc Liêu, bạn có thể nhìn thấy dọc hai bên bờ sông TP gần 30 ngôi biệt thự xây dựng theo phong cách Pháp, nhưng trong đó nổi bật nhất vẫn là căn biệt thự của công tử Bạc Liêu. Gần một thế kỷ trải qua nhiều biến động, ngôi nhà vẫn còn nguyên những nét cơ bản của nó và hiện nay Tỉnh ủy Bạc Liêu đã đồng ý cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) khai thác, quy hoạch cụm nhà này trở thành khu du lịch trọng điểm không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long./.