Lâm Bình (Tuyên Quang) - Vùng đất với những nét văn hóa độc đáo
Huyện Lâm Bình nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, diện tích tự nhiên hơn 78.000 ha với 29.459 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính, gồm các xã: Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Xuân Lập, Thổ Bình, Bình An, Hồng Quang. Vẻ đẹp hùng vĩ của núi non trùng điệp mà thiên nhiên ban tặng cùng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, khiến cho vùng đất này có sức cuốn hút kỳ lạ...
Từ thành phố Tuyên Quang lên huyện Lâm Bình, du khách có thể đi theo hai hướng: Từ thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) rẽ trái đi theo đường ĐT188 đến Lâm Bình. Suốt cuộc hành trình trên tuyến đường này, ta thấy những ngôi nhà sàn của đồng bào Tày, Dao thấp thoáng trong những làng quê “tựa mình” dưới chân núi. Qua những cánh đồng ở Phúc Sơn, Thổ Bình, Bình An đang ngày mùa lúa chín vàng, trong những thung lũng xanh mướt cây cối; mây trắng lãng đãng sườn núi, làm cho cảnh vật nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Đứng trên đỉnh đèo Khau Lắc, phóng xa tầm mắt, du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng Lăng Can (Thủ phủ của huyện mới) Lâm Bình mờ ảo, thơ mộng.
Hoặc qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đi thẳng đến thị trấn Nà Hang, ngược dòng sông Gâm 25 km lên mạn bắc xã Thượng Lâm đến với miền đất nhiều huyền thoại, với các địa danh đèo Ái Au, đèo Nàng, cánh đồng Nà Tông. Các sự tích về hoa Phặc Phiền, chuyện đèo Nàng, sự tích về 100 con chim phượng hoàng gắn với 99 ngọn núi… Phía chân đèo Ái Au có nhiều hang động huyền ảo (của hang Phia Vài, động Song Long) và chùa cổ Phúc Lâm thờ Phật bà Quan Âm, xây dựng từ thế kỷ XIV với nhiều tấm bia đá cổ, 13 tượng Phật làm bằng gỗ mít còn nguyên vẹn. Và cùng với quần thể thắng cảnh Thượng Lâm, xưởng quân khí H52 gắn với tên tuổi của đồng chí Ngô Gia Khảm. Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia (năm 2009).
Ở Lâm Bình ngày nay tuy không còn những cánh đồng bông “trắng đất Lăng Can” nhưng đồng bào dân tộc nơi đây vẫn giữ được truyền thống trồng bông dệt thổ cẩm. Các cô gái đến tuổi trưởng thành, khi xuống chợ phiên để chơi, mua sắm, giao lưu gặp gỡ, kết bạn, họ không quên mua những cuộn chỉ, bó sợi, vải tấm về tự thêu hoa, dệt, may cho mình hàng chục tấm chăn thổ cẩm, váy áo đầy màu sắc làm của hồi môn trước khi đi lấy chồng. Đồng bào nơi đây vốn nổi tiếng về tấm lòng hiếu khách, họ tiếp đón nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ khách từ xa tới. Họ thết đãi khách bằng những món dân dã, đặc sản của núi rừng: Cơm lam chấm muối vừng, măng rừng luộc chấm mẻ, rau dớn xào, canh rau đắng, đặc biệt là hai thứ rượu ngô nức tiếng “rượu thóc Bình An” và “rượu ngô Nà Khà” được nấu bằng thứ men lá cây rừng, ngâm cùng vị thuốc tầm gửi nghiến, uống vừa cay nồng, vừa êm dịu, không gây đau đầu.
Bên cạnh việc còn gìn giữ được những nếp nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ đặc trưng - ở đó chứa đựng cả một kho tàng không gian văn hóa với: Tiếng đàn tính, làn điệu then, hát lượn, Páo dung, lễ cấp sắc thì các dân tộc anh em cùng sinh sống ở quê hương Lâm Bình vẫn luôn tự hào là nơi có nhiều lễ hội độc đáo. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về nhiều lễ hội lại được tổ chức như: Lễ hội Lồng tông tại xã Thượng Lâm và Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (lễ hội còn được duy trì duy nhất ở tỉnh Tuyên Quang). Đó cũng là dịp để các thiếu nữ Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn, Thủy, trưng diện những bộ váy áo đẹp nhất, cùng nhau đi trảy hội và cùng tham gia các trò chơi dân gian: Đánh yến, ném pao, ném còn. Trong không gian tràn ngập sắc màu thổ cẩm ấy, cộng với tiếng khèn Mông âm vang réo rắt… Tất cả đã tạo nên một sức lôi cuốn kỳ lạ thu hút cho hàng ngàn du khách thập phương về đây vào mỗi dịp đầu xuân./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang