Non nước Việt Nam

Ðua ghe Ngo, nét đẹp văn hóa và thể thao truyền thống

Cập nhật: 05/12/2011 10:25:52
Số lần đọc: 1798
Phong trào đua ghe Ngo có ở phần lớn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng phát triển nhất là ở Sóc Trăng. Mỗi chiếc ghe Ngo mang tên một ngôi chùa và được bảo quản cẩn thận.

0312duaghe1

Hằng năm, ngoài Lễ hội Oóc-Oom-Bóc, giải đua ghe Ngo cũng được tổ chức nhộn nhịp tại đây. Ðêm trước ngày tổ chức đua ghe luôn là một đêm không ngủ với người dân TP Sóc Trăng và khách tham quan lễ hội. 

 

Theo truyền thuyết, từ mấy trăm năm trước, ghe Ngo đã xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó, ở đây còn nhiều rừng rậm hoang sơ, ẩm thấp, có nhiều thú dữ. Các ông Prach-Chum, Mon-Sun và nghệ sĩ Chom-Riêng ở Sóc Trăng đã từng nghe dân gian hát và còn thuộc một đoạn bài hát mộc mạc về nguồn gốc ghe Ngo, tạm dịch như sau: Ngày xưa đến ở nơi đây - Rừng đầy thú dữ, rắn bò thi nhau - Ði lại trên chiếc cây sao - Con thuyền độc mộc dềnh dàng trên sông... Còn theo cụ Kim Cho, 71 tuổi và cụ Sơn Nho, 86 tuổi, ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách thì ghe Ngo ra đời từ đặc điểm cuộc sống của cộng đồng dân cư sống chủ yếu bằng cây lúa nước. Bà con dùng chiếc ghe độc mộc làm phương tiện đi lại. Theo cụ Cho và cụ Nho, ngày xưa trên rừng nhiều thú dữ, dưới sông thì cá sấu nhiều như bánh canh. Người dân đi trên rừng sợ cọp bắt cho nên phải đi dưới sông. Nhưng đi dưới sông lại bị cá sấu đe dọa. Từ hình tượng rắn thần Nagar - linh vật của người Khmer làm cá sấu hoảng sợ bỏ chạy để thoát thân, bà con đã sáng tạo ra chiếc ghe mang hình dáng linh vật này.

 

Ghe Ngo là một loại thuyền độc mộc, làm bằng cây sao. Ngày xưa phải đi đến tận núi cao ở Thất Sơn - An Giang mới tìm thấy được. Ðốn xong, dùng voi kéo xuống sông, kết thành bè rồi thả theo dòng nước trôi về. Chiều dài của ghe Ngo ngày trước tùy thuộc vào chiều dài của cây sao và bề ngang thân ghe cũng thế. Bà con dùng búa và dao đẽo khoét sơ sài, chỉ chú tâm tạo mũi ghe sao cho giống Nagar để xua đuổi cá sấu. Nên ghe Ngo ngày trước còn nguyên thân cây, rất nặng, chỉ nổi là là trên mặt nước. Về sau, để chống chọi với thiên nhiên và thú dữ, người dân phải đi thành đoàn, chiếc ghe như thế có phần bất tiện, không tải được nhiều người. Bà con khoét thêm phần ruột cây sao, để cây nổi cao hơn, chở được nhiều người hơn. Ghe Ngo có chiều dài từ 29 đến 30 m, chiều ngang 1,2 m. Có kích thước khá đồng đều như thế là do các năm gần đây rất hiếm cây sao to cho nên ghe Ngo được đóng bằng cách ghép ván. Như đã mô tả, ghe ngo có hình thù tựa như con rắn, mình thon thon về hai đầu. Hai đầu ghe đều uốn cong lên, nhưng phần đầu ghe hơi thấp hơn đằng sau lái một chút. Ðầu ghe thường có vẽ các hình thù con thú như: chim công, sư tử, cọp, voi,... tượng trưng cho vẻ đẹp, đồng thời thể hiện sức mạnh của chiếc ghe. Hai bên ghe trạm trổ hay vẽ vảy rồng, rắn, hình sóng nước,... hiện một số ghe trang trí thêm hình bông lúa hay một số biểu trưng mang ý nghĩa của lễ hội hoặc đặc sản nổi tiếng của địa phương. Ghe Ngo thường do bà con trong phum, sóc đóng góp công sức, tiền của làm nên. Với đồng bào Khmer, cuộc sống luôn gắn liền với các ngôi chùa, chùa là ngôi nhà chung, nơi tôn kính thờ phụng cha ông. Vì vậy, vào dịp lễ, Tết, bà con đưa cơm canh, bánh mứt, hoa quả vào chùa cúng bái. Chiếc ghe Ngo cũng không ngoại lệ, nó là tài sản chung, được cất giữ, bảo quản khá cẩn thận ở chùa. Thậm chí trước đây, có nơi còn "kiêng" không cho phụ nữ đi ngang hoặc bước qua chiếc ghe. Vì bà con quan niệm: phụ nữ bước ngang ghe có thể gặp điều không hay. Có lẽ vì thế, một thời đua ghe Ngo chỉ dành riêng cho phái đàn ông. Ðến những năm gần đây, quan niệm này dần được gỡ bỏ, cho nên mới dễ nhìn thấy những đội ghe nữ xuất hiện. Và cũng có phum, sóc không có điều kiện đóng ghe Ngo đi thi. Do đó, đến ngày lễ Oóc-Oom-Bóc, để giữ truyền thống hội đua ghe Ngo, bà con thường tổ chức chơi trò bơi giả trên cạn, bằng cách ngồi hay đứng xếp hình theo hình của chiếc ghe Ngo. "Chiếc ghe" di chuyển bằng nhịp bước của người chơi. Ðộng tác bơi, tay đưa dầm lên xuống, nghệ thuật bơi đều, đẹp, nhịp nhàng,... tạo không khí vui tươi, sôi nổi và hấp dẫn. Hình tượng ấy, nay đã được cách điệu đưa lên sân khấu nghệ thuật, bổ sung cho múa dân tộc Khmer thêm phong phú và đa dạng...

 

Xưa kia đua ghe Ngo ở Sóc Trăng tổ chức tại Pcam-kên-thô, tức Vàm Tho nay là Dù Tho thuộc xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên. Khi giặc Tây vào, chúng bắt bà con phải dời từ Vàm Tho về sông Ompuyea, tức là sông Nhu Gia, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên bây giờ. Thời chống Mỹ, điểm đua ghe Ngo dời từ Nhu Gia về Kinh Xáng thuộc thị xã Sóc Trăng. Từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, điểm đua trở lại với sông Nhu Gia. Theo bà con, bây giờ tổ chức nhộn nhịp hơn, vui gấp trăm lần so với thời trước. Vậy mà vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của khán giả. Vì thế, để thể hiện thái độ trân trọng và đáp ứng yêu cầu của bà con, tạo điều kiện giúp mọi người đến xem dễ dàng, đông vui, ăn ở thuận tiện, thoải mái hơn, đua ghe Ngo được tổ chức tại thị xã Sóc Trăng. Từ đó, cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, cùng với lễ Oóc-Oom-Bóc, đua ghe Ngo được tổ chức trên Kinh Xáng - tức sông Masperos, TP Sóc Trăng hiện nay.

 

Ở trung tâm TP Sóc Trăng, đêm trước ngày tổ chức đua ghe, người khắp nơi đổ về. Ðó là một đêm không ngủ. Dưới sông, ánh đèn rực rỡ đủ mầu sắc. Từng cụm ghe Ngo tập kết hò hát giao lưu, mỗi chiếc ghe là một cụm hoa sáng: Tiếng trống Chay-dăm đối đáp nhau - Tiếng sáo đối xé bầu trời - Nhạc Romvông đua đưa nụ cười - Nam nữ múa hát, từng đôi mặn mà. Các đoàn Dù-kê trên bờ sông cũng say sưa diễn, hết lớp này đến lớp khác. Sáng hôm sau mới là thời điểm được chờ đợi. Các đội ghe đua bắt đầu vào chung cuộc đọ sức thi tài. Hai bên bờ sông kéo dài gần hai cây số, hàng nghìn người đứng không còn một chỗ trống. Khán giả đến xem không chỉ là người trong tỉnh mà còn là khách tỉnh xa, thậm chí khách nước ngoài đến xem. Không chỉ người Khmer thích xem mà người Kinh, người Hoa cũng hâm mộ.

 

Với đua ghe Ngo, bà con Khmer có một sự kiện không bao giờ quên là nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ, năm 1990, Ðảng và Nhà nước tổ chức giao lưu văn hóa - thể thao các dân tộc, lần đầu tiên môn đua ghe Ngo của bà con Khmer có mặt và được tổ chức đua tại Bến Nhà Rồng, TP Hồ Chí Minh. Bà con Khmer coi đây là niềm vinh dự và cũng là niềm tự hào về môn thể thao độc đáo này. Gần đây, đua ghe Ngo được coi là môn thể thao chính trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam tổ chức tại đồng bằng sông Cửu Long. Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 1 tổ chức năm 2009 tại tỉnh Hậu Giang, có 18 đội ghe nam từ các tỉnh về tranh tài.  Năm 2011 này, Sóc Trăng đăng cai Festival lúa gạo Việt Nam lần 2. Ðua ghe Ngo quy tụ và tổ chức quy mô hơn lần 1. Với 50 đôi ghe nam lẫn nữ từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về sông Masperos tranh tài. Không khí và hình ảnh đầy mầu sắc của cờ phướn, băng-rôn cùng với hàng chục nghìn người đứng hai bên bờ sông đã tạo nét đẹp rực rỡ nhất từ trước đến nay. Trước khi Festival diễn ra, UBND tỉnh Sóc Trăng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng một khán đài và bờ kè gần 10 km hai bên bờ sông Masperos để đón khán giả khắp nơi về thưởng thức.

 

Ðua ghe Ngo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng đã trở thành ngày hội chung của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, làm cho mối quan hệ cộng đồng các dân tộc ở khu vực này ngày càng gần gũi, đoàn kết gắn bó với nhau trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc chung của cộng đồng. Dự kiến sắp tới, đua ghe Ngo sẽ được tổ chức trên phạm vi toàn quốc và đăng cai mở rộng ra khu vực Ðông - Nam Á. Ðó cũng là cách để quảng bá nét văn hóa - thể thao truyền thống độc đáo của Việt Nam ra thế giới.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT