Chùa Thầy: danh lam hấp dẫn và bình yên
Đặt chân đến chùa Thầy, cảnh đẹp đầu tiên hiện ra trước mắt du khách là một hồ lớn có tên gọi là Long Chiểu (ao Rồng) quanh năm màu nước xanh trong biêng biếc như một chiếc gương khổng lồ để núi chùa nghiêng bóng lung linh. Giữa hồ có thủy đình hình dáng đóa sen. Đây là nơi trình diễn rối nước vào dịp lễ hội hằng năm. Bên trái là cầu Nhật Tiên dẫn vào đền Tam Phủ xây trên một hòn đảo giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với đường lên núi.
Chùa Thầy có 3 tòa nằm song song với nhau, tòa ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ; tòa giữa là trung điện hay chùa Trung; tòa trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu. Trong chính điện, ở giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội tòa sen. Đây là di vật duy nhất từ thời nhà Lý ở chùa đến nay vẫn được bảo tồn.
Có lẽ sức cuốn hút du khách là con đường với 251 bậc dẫn lên chùa Cao, còn có tên khác là Đỉnh Sơn tự. Những bậc đá lúc cheo leo, có đoạn thoai thoải, hai bên được bao bọc bởi hàng cây đại thụ hàng trăm năm tuổi như muốn thôi thúc bước chân du khách về hang Cắc Cớ. Hết nửa vòng lưng chừng núi ra phía sau là đến cửa hang Cắc Cớ. Lối vào trong hang mát rượi khiến những ai đã tới đây đều quên đi cái mệt mỏi trên quãng đường gồ ghề vừa qua. Phía sâu trong hang, khi trời nắng, ánh sáng rọi xuống qua một giếng trời. Khói hương hòa quyện với hơi nước tạo nên một làn sương khói mờ ảo. Cuối hang có một cái bể to mà tương truyền trong đó có rất nhiều xương người. Theo người dân nơi đây, xương trong bể là của những người đã mắc tội trên trần gian nên khi chết đã không được đầu thai vào kiếp khác. Bể xương là nơi linh thiêng, huyền bí nên du khách tới hang đều muốn tận mắt chứng kiến và thả vào đó một đồng tiền nhỏ cầu an cho mình và người thân. Sau khi tham quan hang Cắc Cớ, đi ngược lên là đến đền Thượng và hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá do thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những luồng gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái. Chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.
Thắng cảnh chùa Thầy đẹp nao lòng khiến du khách đến đây đều có cảm giác bình yên, thư thái. Mỗi lần đến với chùa Thầy, cảnh vật, không gian nơi đây như kéo mỗi du khách hoài niệm về một thời dĩ vãng để suy ngẫm về nhân tình thế thái, về cuộc sống của riêng mình./.