Non nước Việt Nam

Tiềm năng du lịch Hồ Thác Bà còn bỏ ngỏ

Cập nhật: 06/12/2011 10:17:52
Số lần đọc: 2205
Cách Hà Nội 180km về phía Tây, hồ Thác Bà không chỉ nổi tiếng với Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà mà còn là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất cả nước và được biết đến như là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Hình ảnh Một góc Hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái (được công nhận là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 9/1996), là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước ta, được khởi công xây dựng năm 1962 - hoàn thành năm 1970, để xây dựng thuỷ điện Thác Bà. Ở đây, các nhà nhiên cứu văn hoá, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng loạt các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.

Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng đã chú ý tới những giá trị to lớn của các di tích lịch sử văn hoá và danh thắng trên địa bàn. Tuy nhiên, dường như địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có một hệ thống tổ chức, một cơ chế quản lý phù hợp.

Hiện tại, du lịch hồ Thác Bà chưa thu hút được các nhà đầu tư, vì vậy chưa hình thành được điểm đến du lịch. Mới chỉ có khá ít sự đầu tư vào một số nhà hàng, tàu thuyền với quy mô nhỏ.

Vừa qua, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo huyện Yên Bình tổ chức lễ hội “Âm vang hồ Thác Bà” nhằm quảng bá những nét đặc sắc của vùng hồ này tới du khách trong nước và quốc tế, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch nhiều nét đặc sắc được giới thiệu trong lễ hội như: Lễ dâng hương đền Mẫu, chương trình nghệ thuật, trình diễn trang phục các dân tộc, hội trại "Vì môi trường xanh và bảo tồn thiên nhiên hồ Thác"; Hội chợ thương mại du lịch và phiên chợ quê; các hoạt động giao lưu thi đấu các thao dân tộc truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, đánh yến, đua thuyền, hội chọi trâu… cùng nhiều các hoạt động khác.

Lễ hội đã khơi dậy nhiều nét văn hóa của cư dân các dân tộc sống trong vùng hồ Thác Bà cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan… với văn hóa trang phục, nghệ thuật và văn hóa ẩm thực.

Hồ Thác Bà là một vùng đất có nhiều thắng cảnh đẹp, với diện tích mặt nước hồ trên 19.000 ha, với 1.331 hòn đảo lớn, nhỏ, có những hang động đẹp như "Thủy tiên", động "Cẩu Cuôi" và dãy núi Chàng Rể, núi Cao Biền… tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và được ví như là "Hạ Long trên núi" với những phong cảnh sơn thủy hữu tình, làm say đắm lòng người. Người dân huyện Yên Bình ai cũng mong muốn nơi đây là điểm đến của khách du lịch.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Yên Bái đã chọn du lịch Thác Bà là một trong những danh mục được trở thành khu du lịch chuyên đề quốc gia trong điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam. Đây là định hướng chiến lược quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái với những mục tiêu: Đưa du lịch Thác Bà thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc; phát triển du lịch có tính bền vững; đề xuất các giải pháp thực hiện đề án phát triển du lịch Thác Bà thành khu du lịch cấp quốc gia.

Yên Bái - mảnh đất giàu tiềm năng - đang mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, du khách. Song, dù thế nào thì cả nhà đầu tư và các nhà quản lý du lịch đều phải xác định rằng, đầu tư cho du lịch là việc làm dài hơi, đòi hỏi sức bền bỉ và đồng bộ. Có như vậy, du lịch hồ Thác Bà mới mong có được những “cú hích” để tương xứng với tiềm năng sẵn có./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT