Non nước Việt Nam

Chùa Non, núi Thần Đinh (Quảng Bình): Một điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn

Cập nhật: 29/11/2011 14:58:32
Số lần đọc: 2245
Quảng Bình được xem là địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch với tất cả các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động Phong Nha, du lịch biển kết hợp với nghỉ dưỡng và du lịch các di tích lịch sử văn hóa... Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình có một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách, đó là chùa Non, núi Thần Đinh ở xã Trường Xuân, Quảng Ninh.

Quảng Bình là vùng đất giao thoa tiếp biến văn hóa trên hai chiều Bắc Nam và Đông Tây. Lịch sử hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước còn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa, lịch sử, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở tỉnh Quảng Bình rất thuận lợi để phát triển nhiều loạt hình du lịch. Nổi bật trong các di tích đó có chùa Non, núi Thần Đinh, nằm trong khu vực nhà thờ và lăng mộ Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh... Trong vài năm nay có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, nghiên cứu di tích chùa Non, núi Thần Đinh để lập dự án đầu tư phát triển du lịch tâm linh, sinh thái. Vừa qua thông qua chương trình phát triển du lịch, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (chủ yếu là tuyến đường lên núi Thần Đinh) khu vực chùa Non, núi Thần Đinh. Mặc dù tuyến đường chưa hoàn thành nhưng lượng khách thập phương đến vãn chùa Non, núi Thần Đinh ngày càng nhiều. Trong những ngày hè này, bình quân mỗi ngày có trên 200 khách leo núi Thần Đinh đến dâng hương vãn cảnh chùa Non, báo hiệu một điểm du lịch thu hút đông du khách sau này.

 

Mới đây chúng tôi có dịp đến thăm chùa Non, núi Thần Đinh, nhận thấy vùng đất có vị trí địa lý khá độc đáo. Đứng trên núi Thần Đinh nhìn về phía Đông là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh, có dòng sông Đại Giang chảy qua rất hữu tình. Thu hút du khách đến với chùa Non, núi Thần Đinh không chỉ là phong cảnh núi non hữu tình mà đây còn là nơi lưu truyền câu chuyện thực hư "Đầu Mâu đa tiên, thần Đinh đa phật".

 

Chuyện được lưu truyền lại rằng, núi Thần Đinh là ngọn núi khá độc đáo, là ngọn núi đá vôi cuối cùng trong mạch chạy từ Vân Nam (Trung Quốc) về nước ta. Núi Thần Đinh hiện nay vẫn còn giữ nguyên trạng như xưa, cây rừng mọc dày đặc um tùm như chưa từng bị bàn tay con người đụng đến. Trên núi có nhiều hang động, đặc biệt động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào hoặc những cơn gió đi qua làm vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Trong động có nhiều thạch nhũ với nhiều hình dạng có cả dáng tiên, hình Phật. Trên vách núi sừng sững lại có cả giếng nước trong bốn mùa không cạn. Thời điểm mà chúng tôi có mặt tại núi Thần Đinh là lúc cao điểm của đợt nắng nóng năm nay, nhưng giếng nước trên núi vẫn đầy ắp, có rất nhiều du khách dùng chai nước khoáng để lấy nước mang về dùng để cầu phúc, cầu tài.

Bao câu chuyện thực hư gắn với chùa Kim Phong (Chùa Non) và miếu Thần. Trong đó có truyền thuyết "Thần Đình Chuông". Chuyện kể rằng: chùa Kim Phong núi Thần Đinh được lập vào năm 1701 đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa đến nay hơn 300 năm. Người trụ trì chùa là sư thầy An Khả. Thầy là người thông minh, tài trí, khí chất hiền hòa, tăng ni phật tử đều mến mộ. Người tìm về chùa để tu thân tích đức ngày càng nhiều. Sư thầy càng cao niên, tiếng tăm càng vang xa, mọi người coi ngài là Phật sống.

 

Nhưng rồi cũng đến khi "lá rụng về cội’’. Trong những ngày lâm chung, tăng ni phật tử cung phụng, hầu hạ hết mực với mong muốn thầy sống muôn đời cho họ được nương nhờ cửa Phật. Biết thầy không qua khỏi, bao người khóc lóc thảm thiết. Thầy gượng sức tâm sự đôi lời và cắt một ngón tay út để lại làm vật thiêng cho phật tử. Ngón tay được gói ghém, đặt vào tráp son để thờ. Lạ thay ngón tay không hề bị thối rửa. Bởi núi Thần Đinh là nơi kết thúc của mạch đá vôi chạy dài hàng ngàn cây số. Phật thiêng ứng số với kiếp luân hồi, sư thầy hóa kiếp làm hoàng tử vua nhà Thanh, sau này là vua Càn Long - một trong những ông vua nổi tiếng của triều đại nhà Thanh (Trung Quốc).

 

Cũng theo truyền thuyết, vua Càn Long có bàn tay thiếu ngón út. Như được thần linh mách bảo, Càn Long biết kiếp trước có duyên cơ với chùa Kim Phong - chùa Non trên núi Thần Đinh. Ngài mong có dịp trở lại ’’chốn xưa". Ông cho đúc một cái chuông, khắc chữ "Thần Đinh chuông" sai đội thủy quân mang chuông và lễ vật sang cúng chùa Kim Phong. Đội quân vượt biển dài ngày vào đến cửa Nhật Lệ. Bỗng trận cuồng phong nổi lên, nhấn chìm đoàn thủy thủ cùng lễ vật dâng chùa. Tháng ngày trôi qua... Một ngày nọ, có người đánh cá ở làng Hà Cừ, thấy chài vướng vật nặng, lặn xuống xem vớt lên chiếc chuông to. Chuyện lan ra, những người hay chữ vùng Nhật Lệ khẳng định, đây là chiếc chuông của núi Thần Đinh, phải đặt đúng chỗ.

 

Chùa Kim Phong - chùa Non lúc thịnh, lúc suy, nhưng chiếc chuông vẫn còn. Cũng theo truyền thuyết, khi giặc Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình (tháng 3 năm 1947), núi Thần Đinh cùng hang Rào Con là những căn cứ của du kích ta chống giặc. Chùa ngừng hoạt động, chiếc chuông được đưa về một chùa ở Đồng Hới. Khi giặc Mỹ đánh phá ở miền Bắc, số phận chiếc chuông cũng đi ’’sơ tán’’ về những vùng miền quê khác trong vùng. Giá trị sử dụng có khác, là kẻng báo động, là tín hiệu họp hành. Hiện nay, những người ở Đức Phổ, Đức Ninh (Đồng Hới) quả quyết rằng, chiếc chuông đó vẫn còn, đã được các thầy ở Chùa Ải mang về, âm thanh vẫn vang lên hàng chục năm nay.

 

Chiếc chuông của Chùa Ải hiện nay là có thật, nhưng có liên quan với truyền thuyết trên hay không, điều này đã được tác giả Nhân Văn lý giải trong ’’Thần Đinh sơn tự". Du khách đến tham quan chùa Non, núi Thần Đinh đường đi rất thuận tiện. Theo đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), đến địa phận xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có một con đường nhựa rẽ lên phía Tây, đi chừng 8 km sẽ đến chân núi Thần Đinh. Từ chân núi lên đỉnh, nơi có chùa Non du khách phải vượt qua chặng đường dốc với 1.260 bậc đá. Hai bên đường cây cối um tùm che gần kín mặt đường. Lên cao không khí càng mát mẻ, tĩnh mịch và linh thiêng. Trên đỉnh núi Thần Đinh có một khu đất rộng, khá bằng phẳng với chừng 200 m2 là nơi người xưa đã chọn để xây dựng chùa Non. Chùa Non bị thời gian và chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại một ngôi miếu nhỏ và nền móng của ngôi chùa cũ. Nhiều nhà đầu tư đang xin được khôi phục xây dựng lại chùa Non làm nơi dâng hương thờ Phật. Đến đây, du khách đều được nghe kể về sự linh thiêng của chùa Non. Những người thành tâm khi đến dâng hương uống nước giếng nước thần, về sau sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt. Thời gian qua có rất nhiều khách thập phương, chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam đến thăm chùa Non, núi Thần Đinh. Cùng với việc tham quan điểm du lịch này, du khách còn đến tham quan đền thờ và khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2005-2015, tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch đầu tư phát triển điểm du lịch chùa Non, núi Thần Đinh. Bằng sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chắc rằng một ngày không xa khu vực chùa Non, núi Thần Đinh sẽ trở thành một điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn với du khách.

Nguồn: Báo Quảng Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT