Non nước Việt Nam

Về Sóc Trăng thăm những ngôi chùa Khmer cổ

Cập nhật: 17/11/2011 10:40:41
Số lần đọc: 3391
Đối với đồng bào Khmer, chùa vừa là nơi tín ngưỡng, vừa là địa điểm sinh hoạt tinh thần. Do vậy, những ngôi chùa của đồng bào Khmer Nam bộ có kiến trúc vô cùng độc đáo không nơi nào có được. Chính vì thế, những ngôi chùa này ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Một trong những địa danh thu hút khách tham quan là Sóc Trăng, với nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng cả nước.

Chùa Dơi

Điểm tham quan được nhiều người quan tâm khi đến Sóc Trăng là chùa Dơi (hay còn có tên là chùa Mã Tộc, chùa Mahatup). Chùa Dơi là chùa Khmer cổ, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3km. Ban đầu, chùa được xây dựng bằng vật liệu tre lá, sau đó mới được xây bằng tường gạch, mái ngói. Sau 2 lần hư hỏng nặng năm 1963 và hỏa hoạn năm 2007, hiện nay, chùa được trùng tu, tôn tạo lại khang trang hơn, tuy nhiên vẫn còn giữ nguyên vẹn hiện trạng vốn có của chùa.

 

Sở dĩ được gọi là chùa Dơi, bởi lẽ đây là nơi lưu trú của hàng trăm ngàn con dơi quạ sinh sống trên các cành cây ở khuôn viên phía sau chùa. Nhiều con nặng đến 1kg, sải cánh rộng đến 1m. Ban ngày, chúng ngủ bằng cách treo mình trên những cành cây, chỉ khi đến tối chúng mới hoạt động, có lúc chúng bay xa hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn. Khách tham quan khi đến đây không khỏi tò mò khi nghe kể về những điều kỳ thú có một không hai từ những chú dơi này. Như chuyện dơi quạ ở đây không bao giờ ăn trái cây trong khuôn viên chùa, cũng như khu vực xung quanh. Chúng cũng chỉ trú ngụ trong khuôn viên của chùa chứ không rời đi ở nơi khác. Hay chuyện dơi không bao giờ chết trong khuôn viên chùa, bởi theo tín ngưỡng nơi đây là cửa sinh chứ không phải cửa tử của loài dơi… Đây cũng là một trong những nét đặc sắc thu hút khách đến viếng thăm chùa.

 

Chùa Dơi là ngôi chùa có kiến trúc, hoa văn đặc sắc, to đẹp vào bậc nhất trong số 92 ngôi chùa Khmer của tỉnh Sóc Trăng. Mái chùa gồm hai tầng lợp ngói màu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ theo hình rắn Naga cong vút rất tinh xảo. Trên đỉnh chùa, một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chánh điện (sanctury) có thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Naga. Vách tường chánh điện được trang trí bằng những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc chào đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết Bàn.

Chùa Kh’Leang

Rời chùa Dơi, khách tham quan đến với ngôi chùa cổ thứ hai là . Tọa lạc tại số 71, đường Mậu Thân, thành phố Sóc Trăng. Chùa Kh’Leang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất Sóc Trăng. Theo sách ghi lại, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI theo lối kiến trúc của các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia. Ban đầu, chùa được xây dựng bằng vật liệu gỗ, mái lợp lá. Kiến trúc hiện nay của chùa là do lần trùng tu cách đây hơn 80 năm, với vật liệu gạch, ngói.

 

Chùa Kh’Leang nằm trong khuôn viên rộng 3.825m². Cổng ra vào vừa được xây dựng rất công phu, phía trong là ngôi chánh điện nằm biệt lập với kiến trúc khá phức tạp, rất độc đáo. Bờ mái gồm 3 cấp, mỗi cấp chia thành 3 nếp, 2 nếp phụ hai bên nhỏ hơn nếp giữa và không có tháp nóc. Chánh điện được xây dựng từ năm 1918 bằng 6 hàng cột dọc gồm 60 cây cột trụ. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ được bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh Sóc Trăng, lịch sử của chùa. Hàng năm, chùa còn là nơi diễn ra những ngày lễ truyền thống của dân tộc Khmer như lễ Chol-Chnam-Thmay, lễ Dolta, lễ Cúng trăng và hội Đua ghe ngo.

 

Khác hơn hai ngôi chùa cổ trên, chùa Chén Kiểu thu hút khách tham quan ngay từ cái tên và kiến trúc lạ mắt.

Chùa Chén Kiểu

Chùa Chén Kiểu còn có tên Sà Lôn nằm trên Quốc lộ 1A trên đường về Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 7km. Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, đến năm 1969, vị sư cả Tăng Đuch cho xây dựng lại ngôi chùa theo kiến trúc như ngày nay: chánh điện, nhà hội (nhà Sala) và tháp bảo (nơi để sách kinh và làm chỗ dạy học).

 

Du khách khi đến viếng thăm chùa Chén Kiểu sẽ không khỏi xuýt xoa với tài nghệ của các bậc nghệ nhân đã khéo léo ghép những mảnh vỡ chén kiểu, đĩa kiểu để tạo ra những tác phẩm tuyệt tác như bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng bên trong vách tường của chánh điện cũng như các hoa văn khác trên mái của chánh điện,… Sở dĩ có tên là chùa Chén Kiểu là do trong quá trình xây dựng khan hiếm gạch men trang trí nên vị sư cả đã thu thập chén, đĩa kiểu bể để trang trí thay thế. Từ đó ngôi chùa còn được biết đến với cái tên gọi rất mộc mạc là chùa Chén Kiểu như hiện nay.

 

Chùa Bốn Mặt

Một ngôi chùa cổ khác du khách không thể bỏ qua khi đến Sóc Trăng, đó là chùa Bốn Mặt. Chùa Bốn Mặt nằm cách thị xã Sóc Trăng 6km về hướng Tây Bắc theo tỉnh lộ về huyện Kế Sách. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Khmer truyền thống với những hoa văn tinh xảo, thanh thoát, với những tượng Phật bằng đá bốn mặt. Chính đặc điểm này nên có tên là chùa Bốn Mặt. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của chùa Bốn Mặt chính là nguồn gốc tượng Phật này được lưu truyền với bao truyền thuyết huyền bí tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách. 

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT