Đặc sắc làng trạng Vĩnh Hoàng, Quảng Trị
Nhà thơ Ngô Minh ở Huế, trong một lần cùng tôi, về thăm quê ngoại Vĩnh Linh và có bài thơ nổi tiếng “Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng”:
“…Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh, bứt nhầm đuôi cọp.
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật,
Ai không tin xin mời đến làng tôi…”
Sinh thời, cố tiến sĩ- nhà nghiên cứu văn học Võ Xuân Trang cũng đã về đây sưu tầm và xuất bản cuốn “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. Thời chưa chia tách tỉnh Bình-Trị -Thiên, năm 1988, Sở Văn hoá - thông tin Bình Trị Thiên còn tổ chức hẳn một hội nghị chuyên đề đặc biệt về Chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
Và quả thật, mấy chục năm nay, rất nhiều du khách, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu văn hóa, đã đến với làng trạng Vĩnh Hoàng để được đắm mình trong tiếng cười sảng khoái, lạc quan, yêu đời đến độ khó tin được của người dân nơi đây.
Ai cũng biết kể chuyện trạng
Thực ra, cái nôi của chuyện trạng là làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú. Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn: Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
Ngày nay, xã Vĩnh Hoàng đổi tên thành xã Vĩnh Tú, nhưng “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” vẫn sống mãi trong tâm khảm người dân Vĩnh Linh, trở thành một “thương hiệu” của người dân làng Huỳnh Công.
Có thể nói, ở làng Huỳnh Công hầu như ai cũng biết kể chuyện trạng, ngoài tài năng ứng tác nên chuyện từ thực tế cuộc sống, người dân nơi đây còn được trời phú cho giọng nói nặng và thổ ngữ địa phương đặc trưng nên chỉ cần mở lời là tạo nên sự ngộ nghĩnh lôi cuốn khác lạ, làm cho câu chuyện bịa cứ như thật, không tin không được.
Điều thú vị, chuyện trạng Vĩnh Hoàng xuất phát từ thực tế hàng ngày, được cường điệu, hư cấu một cách có lý, nên dẫu là chuyện trạng vẫn phản ánh một phần cuộc sống gian khổ, hy sinh, mất mát trên vùng đất lửa Vĩnh Linh qua từng giai đoạn lịch sử, như chuyện thời chống Pháp, thời chống Mỹ, chuyện xây dựng kinh tế thời đổi mới…
Nhưng bao giờ cũng đem lại cho người nghe nụ cười sảng khoái, lạc quan yêu đời hơn. như chuyện “Bom hất sang sông” kể về anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe diệu kế qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Nam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa kỵ no nê.
Hay chuyện “Lỡ một buổi cày” nói về anh nông dân buổi sáng sớm dắt bò đi cày, nhưng đến sáng mới ngã ngửa là mình đang cày bằng con cọp; truyện “Bắt bọp” thì ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà "giết đến mỏi tay không hết" đàn quạ; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa.
Hay nói về sự ngon và bở của khoai lang Vĩnh Hoàng, nhà nào khi đem ra mời khách ăn khoai cũng kèm theo chiếc kính đeo mắt, khách ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, thì chủ nhà bảo cứ đeo vào để khi ăn khoai, bột không bay vào mắt…
“Lỡ một buổi cày!"
Tuy nhiên, để thẩm thấu được cái hay, cái thú vị của câu chuyện, phải nghe chính giọng người dân Huỳnh Công kể mới đã. Xin ghi lại nguyên văn câu chuyện “Lỡ buổi cày”.
“Bữa nớ nhà có mấy tấm ruộng, tui muốn đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nác (nước) để đi cày. Trời đã sáng chi mô, vợ tui đã làm sẵn cho một "bù nác" chè đặc với một mo cơm nếp xáo với khoai, mùi bay ra nghe thơm phức. Tui khoái quá, liền lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn, thấy trời vẫn chưa sáng tui cho bò ăn một chặp.
Tui nghĩ trong bụng: phải cày cho sớm, không thì sáng ra trời nóng lắm. Tui liền bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng cả, không biết con nào là con Ô con nào là con Dề. Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Lạ! Sao mà hắn đi mau dữ rứa? Hay là hắn được ăn thêm bữa khuya nên có sức đi mau!?
Chỉ mới loáng mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai tui mới cày được mấy đàng tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tui “dạo tắc” hắn cũng không đi, “dạo rì” hắn cũng ỳ ra. Tức máu quá tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên làm cái cày đâm sâu xuống đất nghe kêu rắc rắc.
Tui nói: con bò Dề sáng ni răng mà trở chứng? Rồi hắn xây cái mặt lại với tui. Chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là bò Dề mô? Tui nói: Con cọp ni báo hại tau rồi. Sẵn cái rựa tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Lão lủi một mạch lên rú Ông Đồn mà không dám ngoái cổ lại. Rứa là hắn đã làm tui lỡ mất một bữa cày!”
Ở Làng Huỳnh Công hiện nay, có rất nhiều người kể chuyện trạng có tiếng, đặc biệt là những người có tuổi, vì họ còn giữ được giọng nói và thổ ngữ nguyên bản địa phương. Trong đó nổi tiếng một thời có bác Trần Hữu Chư, ông không chỉ kể chuyện hay có tiếng, mà còn tự mình sưu tầm ghi chép tập hợp chuyện trạng của cả làng và tự học vẽ tranh minh họa hết sức sinh động cho các câu chuyện trạng của làng. Những bức tranh của Bác hiện trưng bày trong nhà Văn hóa thôn, trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo cho những ai muốn nghe và tìm hiểu về làng Trạng Vĩnh Hoàng.
Có lẽ chính vì sự độc đáo của một làng quê với những câu chuyện trạng vô tiền khoáng hậu hậu như thế, nên người ta vẫn bảo nhau, “Đến Vĩnh Linh mà chưa nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng coi như chưa đến Vĩnh Linh”.
Quả thật, đến với làng trạng Vĩnh Hoàng mới thấy hết giá trị, sức mạnh tiếng cười trên vùng đất một thời đau thương, một thời oanh liệt, mà người dân nơi đây nói riêng và Vĩnh Linh nói chung đã trải qua. Và giờ đây đang trở thành một tài sản văn hóa độc đáo của của vùng đất nắng lửa, gió Lào này.