Ðộc đáo nhạc cụ của người Thái
Ông Lò Văn Ơn là một trong nhiều người Thái ở Ðiện Biên, vì yêu, vì sống trong tiếng hát, tiếng đàn từ bé mà tự khắc biết thổi, làm pí (sáo) giỏi. Quả vậy, với người Thái trên vùng Tây Bắc, nơi nào có nhà sàn, có khăn piêu, áo cóm, áo chàm là ở đấy có văn nghệ bản mường. Dù dưới ruộng hay trên nương, lúc nào tâm hồn thảnh thơi là câu hát lại cất lên ngẫu hứng, bay bổng. Còn khi có đám cưới, lên nhà mới, là lời khắp cũng ngân nga, trầm lắng. Phần lời của những bài hát ấy chủ yếu là các truyện thơ. Xưa, lâu lắm rồi là những chuyện trời đất sinh ra, tình yêu đầy nước mắt của kiếp người nô lệ trong lời ca thâu đêm suốt sáng, như trong Xống chụ xon sao, Tản chụ xiết xương... Nay, các truyện thơ dân gian ấy vẫn được người già nhớ trong đầu, truyền lại cho con cháu. Lớp trẻ vẫn yêu tiếng hát dân tộc mình và vận dụng tài tình vào hoàn cảnh, tâm trạng. Con gái đến tuổi cập kê, nghe tiếng hát, tiếng pí từ ngoài suối với lời ca, giai điệu da diết là lập tức lòng như uống rượu, cũng cất tiếng khắp đáp lại như tín hiệu trái tim. Nhiều người Thái ở huyện Ðiện Biên hát hay, đã được bản mường tôn vinh là "bông hoa văn nghệ", như Lò Pánh Cương ở xã Sam Mứn, Lường Thị Song, Bạc Thị Luyện ở xã Thanh Nưa,...
Ði cùng những giai điệu dân ca ấy thường có nhạc cụ đệm theo làm nền như pí, đàn môi, tính tẩu..., những nhạc cụ được làm ra từ cây nứa, quả bầu thân thuộc đối với người Thái. Từ ngày còn nhỏ, mỗi người Thái đều có một thú chơi không thể thiếu là kèn lá. Lá sắn, lá ban, lá gì cũng được, miễn là không dày quá, cho lên môi là phát ra âm nhạc. Dự một lễ hội Sên bản sên mường - cúng bản cúng mường, chắc chắn bạn sẽ thấy già trẻ, gái trai hát múa, thổi sáo, chơi tính tẩu, nhị. Từ đó cất lên gần như đầy đủ hương sắc âm nhạc dân gian Thái. Ði cùng với đàn hát là xòe. Già trẻ, gái trai tay trong tay, chân nhún nhẩy theo nhịp lên xuống uyển chuyển, theo tiếng trống xòe - loại trống làm riêng cho xòe, và rộn ràng lời ca. Rồi những cô gái Thái với áo cóm thướt tha đi lại mơi lẩu - mời rượu. Ít phút như thế thôi, lâu lâu lại có tiếng hú dài như biểu thị cho sự tán thưởng, sung sướng, là tất cả lại làm một vòng xòe.
Người Ðiện Biên mê đàn, hát, xòe; đãi khách bằng những âm thanh, điệu múa tự mình làm ra. Bằng tình yêu như yêu ruộng, yêu nương, nhiều người Thái ở Ðiện Biên đang cố gắng gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình. Và ông Lò Văn Ơn là một người như vậy. Nhà ông ở bản Na Ten, bên quốc lộ 12. Thấy tiếng xe, tiếng còi dưới gầm sàn, ông nói xuống: "Cán bộ nào đấy, lên nhà đi". Trên nhà ông Ơn đang đẩy xe lăn ra cầu thang đón khách. Ông bị bệnh gút đã lâu, hai năm nay nặng thêm. Tôi tự giới thiệu và nói muốn thăm ông, được nghe thổi pí. Ông chỉ vào gian giữa, nơi treo các loại pí, cái dài, cái ngắn, cái một, cái đôi; rồi nhị, tính tẩu, đàn môi... Ông không chỉ làm pí mà làm gần hết các nhạc cụ dân tộc, từ chế tác đến biểu diễn. Năm gian nhà sàn của ông chật hơn vì là xưởng sản xuất và trưng bày các nhạc cụ. Bên cầu bào, hai em đang hí húi vuốt thanh gỗ; bên bếp hai bé gái đang dùi ống tre. Thấy tôi chăm chú nhưng chưa hiểu, ông Ơn nói luôn: "Chúng nó ở bản đấy, được nghỉ là lại ở đây "bắt" tôi dạy làm nhạc cụ. Hỏi chuyện Lò Văn Lan, Quàng Văn Long, Lò Thị Vân:
- Làm tính tẩu, nhị, pí loại nào khó nhất?
Lò Thị Vân bảo:
- Thứ nào cũng khó nhưng cháu làm tốt rồi.
Vân đưa cho ông Ơn cái ống tre đã lắp cần ra dáng cái nhị. Ông Ơn ngắm, lắc đầu rồi nhẹ nhàng:
- Dùi chệch lỗ mất rồi, lỗ trên dịch sang một tí.
Ðến lượt Lò Văn Lan đưa cái cần tính tẩu, ông giơ cho tôi xem và cười:
- Xấu tí nhưng chúng nó say mê thế này là mừng. Thế mới là tập làm.
Lò Văn Ơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông là Lò Văn Cù, người thổi pí hay có tiếng khắp Mường Thanh. Nhưng ông Cù chưa đến bốn mươi tuổi thì bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Khi ấy Lò Văn Ơn mới ba tuổi, không nhớ được gì nhưng tiếng pí thì nhớ. Nó như ăn sâu trong máu Ơn và hai người anh con bác. Cha Ơn dạy pí cho hai anh, rồi hai anh truyền dạy cho Ơn. Năm 10 tuổi, hai anh hết vốn để dạy, vì Ơn đã chơi được đủ hết các loại pí, nhị, tính tẩu, đàn môi. Gái bản cũng mê tiếng pí anh Ơn. Cũng cây pí pặp (sáo chuyên để thổi khi chọc sàn) ấy nhưng hơi của Ơn vào là lúc da diết, lúc cảm thương, khi bồng bềnh, khi nỉ non. Vợ ông Ơn hiện nay chính là cộng hưởng của hai tâm hồn, hai tình yêu âm nhạc.
Ông Ơn không chỉ chăm chỉ trong niềm say mê chế tác nhạc cụ. Ði rừng, đi suối, đi ruộng, đi đâu ông đều để mắt tới những thứ có thể được việc cho âm nhạc của mình. Cây nứa thon dóng vừa độ, gỗ sữa, gỗ dổi lụa, hay da rắn, lông đuôi ngựa mà người ta có, ông đều xin hoặc đề nghị mua lại. Loại nào việc ấy, không có thứ thừa trong con mắt của "người nhạc" như ông. Ngôi nhà ông, theo sản xuất nhạc cụ có thể chia ra làm ba khu. Khu 1: Ở gầm sàn, là nơi cắt ống, dọc gỗ, đẽo gọt... Khu 2: Nơi quan trọng nhất là cầu bào và cái bếp; cầu bào để làm phần cuối cho tính tẩu, có thể là chuốt cần, uốn nắn gióng nứa chưa chuẩn; bếp là nơi đốt, dùi, hun khói, nấu lam đồng. Ðối với pí, dùi lỗ là việc quan trọng nhất; than hồng, nhiệt cao, dùi đỏ lừ thì lỗ mới chuẩn. Ðối với tính tẩu, chế tác quả bầu để làm bầu đàn lại là việc tỉ mỉ chỉ có kinh nghiệm và sự cảm nhận mới quyết định thành công.
Ông Ơn tâm sự: "Phải chọn quả bầu đủ độ già, sau đó khoét lõi; việc khoét bằng dụng cụ riêng chưa thể mỏng được, phải cho than vào trong bầu đốt. Thời gian đốt, độ nóng như thế nào chỉ bằng cảm nhận riêng mình thôi. Ðốt xong cho vỏ bầu vào luộc với lá, vỏ cây có chất đắng như xoan, để tránh mối mọt và co giãn sau này. Tiếp đó cho bầu lên gác bếp, khoảng một tháng cho khô từ từ, rồi lại phơi sương vài đêm. Cuối cùng mới lắp cần đàn vào. Nấu đồng làm lam cho pí là công việc cũng đòi hỏi kinh nghiệm và cảm nhận". Ông Ơn cho biết, cái lam quyết định nhiều tới âm thanh, cho nên không thể mua sẵn ngoài phố vì dày mỏng không đạt tiêu chuẩn. Khu 3: Gian giữa nhà, là nơi "ngự" của các nhạc cụ đã hoàn thành. Ðó là dàn tính tẩu, nhị, bảy loại pí: pí pặp nhỏ nhất, pí Mông lớn nhất, pí láo luông dài nhất, pí ỏ bé nhất, pí bầu (có gắn quả bầu) tròn nhất... và đàn môi bé nhất.
Nhạc cụ ông Lò Văn Ơn sản xuất đủ điều kiện dùng biểu diễn chuyên nghiệp, Ông Hoàng Thím - Nghệ nhân dân gian đàn tính, được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng năm 2003, đánh giá như vậy. Hỏi bí quyết làm nhạc cụ dân tộc của mình, ông Ơn trả lời:
- Mình biết chơi nó hay thì làm chính xác thôi. Dở thì mình nghe mình không chịu được.
Hiện nay ông Lò Văn Ơn là người đứng đầu trong sản xuất, biểu diễn các loại pí của dân tộc Thái ở Ðiện Biên, và có lẽ cả khu vực Tây Bắc. Phong trào văn nghệ quần chúng của bản Na Ten mấy năm nay rất phát triển. Ông Ơn không nói, nhưng bà con trong xã, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên và Phòng Văn hóa huyện Ðiện Biên đều nói phong trào này có công rất lớn của ông Ơn. Ông không chỉ sản xuất, biểu diễn mà còn truyền dạy cách sử dụng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho mọi người. Lò Văn Anh, 17 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT Thanh Nưa đang là một cây pí rất triển vọng của thầy Ơn. Lò Văn Anh say mê và ông Ơn cũng không quản ngày đêm kèm cặp, hy vọng em sẽ là thế hệ tiếp nối. Hiện, ông Ơn đang làm thầy giáo dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh ở Thanh Nưa. Lớp do Phòng Văn hóa huyện Ðiện Biên và Cung văn hóa thiếu nhi Ðiện Biên tổ chức. Không phụ tấm lòng của thầy Ơn, các em rất say mê, nhanh chóng vượt qua được những bài học đầu tiên về sử dụng nhạc cụ dân tộc.
Không chỉ trong tỉnh, người mê nhạc cụ dân tộc ở các tỉnh khác như Sơn La, Hải Dương,... rồi một cô gái tận Thái-lan, chuyên nghiên cứu dân tộc học, nghe nói về tiếng pí Lò Văn Ơn cũng tìm đến Na Ten học thổi pí. Từ năm 2003, sau sự kiện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ðiện Biên tổ chức sản xuất đĩa hình Xống chụ xon sao, trong đó ông Ơn đảm nhiệm chính phần nhạc đệm, ông liên tục tham gia các hội diễn, cuộc thi, ngày hội văn hóa các dân tộc trong tỉnh, cũng như toàn quốc, và đạt nhiều giải cao. Năm 2011, bệnh gút quái ác không cho phép ông đi đâu xa. Nhưng trên chiếc xe lăn, lúc ông chỉ bảo các cháu làm pí, làm đàn; lúc ông lại tập tễnh đi dạy các lớp học nhạc cụ. Không thể gọi làm pí, thổi pí là một nghề bởi số tiền từ bán pí, bán đàn cho những người yêu âm nhạc, từ dạy nhạc cụ cho các cháu chỉ là tượng trưng. Ốm đau nhưng ngày ngày ông vẫn vui, vì lúc nào cũng có người đến chơi, nhất là các cháu ở Na Ten và các bản lân cận. Tấm lòng yêu âm nhạc dân tộc của ông làm mọi người thêm quý trọng ông.