Nét đẹp văn hóa người Dao
Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình trong bản, ông Chảo A Pản (81 tuổi) - bồi hồi kể: Nhà người Dao không khác nhiều so với nhà của người Mông. Cũng được làm bằng tre, gỗ, nứa đơn giản nhưng chắc chắn do được kết hợp bởi bàn tay khéo léo. Nhà của người Dao có thể là nhà nửa sàn, nửa đất, cũng có thể là nhà sàn hoặc nhà đất, bên trong có nhiều vách ngăn thành từng gian, toát lên sự kín đáo, tế nhị. Nếu là nhà nửa sàn, nửa đất thì nửa sàn thường dùng để ở. Bước chân vào gian này, ít ai có thể làm ngơ bởi hương rượu thơm nồng mới cất và từng rảnh thịt chua các chị, các mẹ kỳ công ướp. Tuy nhà của người Dao tập trung ở vùng thấp, tách biệt với người Mông ở vùng núi cao, nhưng 2 dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó.
Ghé thăm một gia đình trong bản, chúng tôi gặp một phụ nữ đang tỉ mẩn từng đường thêu như chẳng biết có người lạ đến. Phút làm quen qua mau, chúng tôi biết chị tên Chảo Thị Linh. Chị Linh, say sưa nói: Giờ ở chợ huyện, chợ xã bán nhiều loại vải với nhiều màu sắc sặc sỡ lắm, nhưng chúng tôi vẫn lấy vải có màu đen để dùng làm trang phục. Thêu họa tiết lên vải xong thì thân áo cắt đuôi tôm, trước ngực có tua chỉ hồng và sườn trái đính khuy, cúc bạc.
Phụ nữ Dao có kiểu tóc dài, vấn xung quanh đầu rồi đội khăn vải trong các ngày lễ, hội khiến bao chàng trai mê đắm. Điều làm chúng tôi ấn tượng là cách thêu độc đáo, hoàn toàn không theo mẫu vẽ trên vải như cách vẽ bằng sáp ong của người Mông, mà dựa vào kỹ năng của người thêu. Hoa văn thêu lên vải chủ yếu là hình hoa, lá như: cây thông, hoa, cây ngô; hình muông thú như: chim đuôi to, chim có mào, gà chọi nhau, ngựa, chó và hình con người. Có lẽ cũng bởi nghệ thuật trang trí trang phục trình độ cao mà theo nghiên cứu của một số nhà văn hóa, ngành Dao tiền còn có tên gọi khác là Dao thêu.
Nét đặc trưng văn hóa ở người Dao không chỉ thể hiện trên trang phục mà còn ở tập quán, tín ngưỡng. Tin rằng mọi vật trên thế gian đều có linh hồn từ sông, núi, đá, cây đến gió, mưa, sấm, chớp nên người Dao rất coi trọng và tôn sùng vạn vật. Anh Vàng A Lênh, trưởng bản Lịch 1, cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người Dao trong bản ai nấy đều hưởng ứng bằng việc giữ tập quán tín ngưỡng riêng, không lẫn với dân tộc nào, song cũng mạnh dạn thay đổi một số tục lệ không cần thiết. Nếu như trước đây người Dao có nhiều lễ cúng kéo dài bảy ngày bảy đêm với tám thầy chính và hai, ba thầy cúng phụ, tốn kém cả chục triệu đồng thì nay những lễ đó được rút ngắn thời gian, đơn giản hơn.
Lệ tục cúng của người Dao là do tổ tiên truyền lại. Chuyện xưa kể rằng: Một ngày kia từ trên trời rơi xuống ba con dấu làm bằng đồng, gỗ và đất. Người Dao nhanh tay nhặt lấy con dấu đồng, còn người Kinh, người Thái nhặt con dấu đất và gỗ. Qua ngày, qua tháng, dấu của người Kinh và người Thái mục dần rồi hỏng nên họ ít phải cúng lễ. Còn người Dao thì đời đời vẫn duy trì tập tục cúng lễ bởi con dấu còn nguyên vẹn. Trưởng ma vùng Dao cất giữ con dấu đến khi qua đời và con dấu ấy lại được truyền cho người khác, tiếp tục là trưởng ma vùng Dao... Và mỗi khi rảnh rỗi, ông Chảo A Pản cũng như nhiều người cao tuổi khác ở bản lại quây quần cùng con, cháu bên bếp lửa bập bùng, kể lại câu chuyện xưa, như để nhắc về những gian khó ngày dựng bản.
Trở về thị trấn Tủa Chùa, dù đã rất muộn, nhưng chúng tôi vẫn cố gặp cho được ông Lò Văn Tiến, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa – một trong những người tâm huyết với văn hóa các dân tộc. Ông Lò Văn Tiến, cho biết: Cho dù có ảnh hưởng bởi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau thì người Dao ở bản Lịch 1 vẫn giữ bản sắc dân tộc của riêng mình và bền vững mãi cùng thời gian.