Non nước Việt Nam

Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Tuyên Quang

Cập nhật: 05/01/2012 15:53:55
Số lần đọc: 2095
Soọng cô (âm Hán - Việt: Soọng là sướng, cô là ca; Soọng cô có nghĩa là ca hát) là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu.

Nếu các vũ điệu xưa vốn chỉ dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng hay đám ma, đám chay chỉ do các thầy cúng đảm nhiệm; thì cũng từ xa xưa, Soọng cô cũng là lối hát đối đáp, giao duyên, do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn, bên bếp lửa hay dưới ánh trăng khuya.

 

Soọng cô có hai dạng thức: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô), hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô). Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài: Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca.

 

Do đặc điểm hát đối đáp giao duyên theo lối ngẫu hứng, nên hát Soọng cô không có nhạc đệm.

 

Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu có từ bao giờ, đến nay ít người biết. Theo truyền thuyết “Truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng: “Thủa xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay”.


Theo các cụ già thì người Sán Dìu cư trú ở Tuyên Quang đã bao đời, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, người già truyền dạy cho con trẻ, người biết hát dạy người không biết hát. Tiếng hát Soọng cô đã được duy trì và ngân lên không bao giờ dứt. Có thể nói dân tộc Sán Dìu là một dân tộc có tâm hồn thơ ca. Đồng bào yêu thích ca hát, ca ngợi quê hương xứ sở, ca ngợi sức sáng tạo lao động, tình yêu lứa đôi, lên án sự gian ác, nói lên khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Soọng cô đã hình thành, tồn tại và phát triển cùng quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Sán Dìu. Đó là sản phẩm tinh thần, là tiếng nói của người lao động, được lưu truyền qua bao thế hệ trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và lao động của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT