Đồng Nai: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Châu Mạ
Độc đáo làng nghề
Ngược lên hướng thượng nguồn sông Đồng Nai đến với huyện Tân Phú du khách sẽ có dịp tham quan Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên và trong chuyến hành trình về thăm rừng sẽ được ghé thăm làng dân tộc ở xã Tà Lài là nơi tập trung người Châu Mạ sinh sống, để xem nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã có hàng trăm năm nay. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, bà con đang tập trung may các sản phẩm thổ cẩm truyền thống cho gia đình vui xuân. Mặc dù mức thu nhập hàng năm bằng nghề dệt thổ cẩm không đáng là bao, nhưng phần lớn bà con đều cố gắng gìn giữ nghề.
Nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ khá đặc sắc, đã tạo ra những sản phẩm mang tính riêng biệt như khăn quàng cổ, những tấm vải nhiều màu sắc với các họa tiết hoa văn tinh tế như: con người, con mắt, con trâu, con dê, con bướm, chim chóc, cái cối, con khỉ, hình ảnh mặt trời, cây đèn sáp, bàn thờ thần linh… Tất cả những họa tiết hoa văn với cách thể hiện cách điệu đều có ý nghĩa riêng của chúng. Hầu hết, nó liên quan đến tư duy của cộng đồng người Châu Mạ về cuộc sống, thế giới, và những kinh nghiệm được đúc kết, trải nghiệm qua bao đời. Nhiều hoa văn được truyền qua nhiều thế hệ bởi những câu chuyện, trường ca… có liên quan đến nguồn gốc, phong tục của tộc người Châu Mạ. Chúng được thể hiện trên thổ cẩm với những nét tinh tế, sắc sảo qua sự khéo léo của mỗi người dệt; đặc biệt là những nghệ nhân.
Hầu hết con gái người Mạ nào cũng phải biết nghề dệt thổ cẩm và tự bao giờ đã trở thành một nét riêng của dân tộc, tồn tại qua bao thế hệ. Hình ảnh người phụ nữ miệt mài bên khung dệt tạo ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy, túi xách, những đồ dùng trang trí… và đến công việc trồng bông làm sợi và nhuộm màu, se chỉ đều không qua sử dụng máy móc mà chỉ thao tác bằng tay, chính là nét riêng của người Mạ. Thổ cẩm không phải là những sản phẩm thô sơ mà là sự kết hợp khéo léo về màu sắc, hoa văn và còn là bức tranh thật sống động về nét văn hóa của người Châu Mạ.
Và hơn nữa, khi dệt những hoa văn họa tiết trên thổ cẩm, mỗi sản phẩm làm ra không chỉ là công sức mà còn là tình cảm của những người dệt gửi gắm vào đó.
Duy trì và phát triển làng nghề
Vài năm trước đây tưởng như nghề này đã mai một, nhưng nhờ quyết tâm duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống này, từ năm 2008, tỉnh đã triển khai đề án “Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Châu Mạ xã Tà Lài, huyện Tân Phú”. Thời gian qua, huyện Tân Phú cùng với các sở, ngành của tỉnh và nhiều cá nhân tâm huyết với nghề đã đầu tư nhiều công sức dần khôi phục lại nghề truyền thống này.
Đến nay, huyện Tân Phú đã phối hợp với Trung tâm khuyến công Đồng Nai đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng vừa đưa vào sử dụng một nhà xưởng khang trang theo truyền thống người dân tộc Châu Mạ với diện tích 220 m2; tổ chức được hai lớp dạy học nghề dệt, may thổ cẩm căn bản và một lớp dệt may thổ cẩm nâng cao cho đồng bào dân tộc tại xã, với trên 90 học viên. Đặc biệt lớp dạy nghề không chỉ dành cho chị em đã có gia đình mà còn thu hút được lớp trẻ có tay nghề cao tham gia trong dạy và truyền nghề truyền thống cho các thế hệ sau. Hầu hết các chị em sau khi tham gia khóa học về đều có thêm nghề phụ, cho thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống gia đình.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phú, thị trường thời mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nghề dệt thổ cẩm đang chao đảo do chất lượng mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Hơn nữa, một số công đoạn như xe sợi, nhuộm màu... bằng thủ công như trước đây đã bị thay thế bằng việc sử dụng các nguyên liệu có sẵn, do đó nhiều sản phẩm chất lượng kém, chỉ dùng hai đến ba lần đã có hiện tượng bạc màu, xù vải… Ngoài ra, khung dệt của bà con chủ yếu được làm từ thanh tre, ống nứa… cách làm công cụ thủ công nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra không nhiều, chất lượng chưa cao, mẫu mã còn hạn chế. Do vậy, hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người lao động làm nghề đang gặp nhiều khó khăn...
Để duy trì phát triển làng nghề dệt thổ cẩm phát triển bền vững, ông Kỳ cho rằng: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình người dân tộc ở các làng nghề mua sắm, cải tiến khung, thoi, lược, dệt… giúp người lao động tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối phát triển làm nòng cốt tiêu thụ sản phẩm, tạo đà cho làng nghề phát triển ổn định và bền vững, góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân bản địa, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.