Tăng tính hiệu quả trong tổ chức Năm du lịch quốc gia

Những nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng những điểm, tuyến, tua du lịch mới; tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch trong quá trình thực hiện Năm du lịch quốc gia đã mang đến hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực cho từng địa phương. Trên cơ sở phát huy các tiềm năng, thế mạnh du lịch, kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm từ các địa phương đã tổ chức, Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động Chương trình Năm du lịch quốc gia trong năm năm tới. Vừa qua, Hội thảo mang chủ đề: "Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2017" đã được tổ chức tại Huế. Trong phát biểu đề dẫn, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: "Trước khi xác định mục tiêu để hình thành chủ đề, nội dung cho từng Năm du lịch quốc gia, có ba vấn đề then chốt cần làm rõ: thứ nhất, phải xác định thông qua tổ chức Năm du lịch quốc gia để quảng bá, xúc tiến du lịch trong, ngoài nước, nâng cao nhận thức về du lịch; thứ hai, cần phân biệt đây là hoạt động lớn nhằm thu hút khách du lịch hay là hoạt động để đánh thức tiềm năng du lịch tại một địa phương, vùng lãnh thổ; thứ ba, hoạt động này nhằm phục vụ khách du lịch hay nhân dân địa phương. Chỉ khi ba vấn đề này được xác định rõ, chủ đề, nội dung và các tiêu chí đánh giá thành công của việc tổ chức Năm du lịch quốc gia mới thật sự phản ánh đầy đủ mục tiêu sự kiện, đồng thời, công tác chuẩn bị và thực hiện sẽ hạn chế được những thiếu sót". Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, sản phẩm du lịch chính của Năm du lịch quốc gia phải là sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương đăng cai tổ chức và vùng lãnh thổ lân cận, phải kết hợp được giữa việc khai thác các giá trị cảnh quan, văn hóa truyền thống với lễ hội, các sự kiện văn hóa nổi bật ở địa phương và khu vực chung quanh. Tiếp thu những định hướng mang tính chiến lược, tại Hội thảo, một số địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2017 đã gợi mở, đề xuất sản phẩm du lịch với các chủ đề: "Du lịch Di sản" (Huế, 2012); "Ðến với Hải Phòng - Thành phố Hoa phượng đỏ" (Hải Phòng, 2013); "Ðồng bằng và biển, đảo phương nam" (Kiên Giang, 2016); "Sắc màu vùng cao" (Lào Cai, 2017)...
Nhằm tạo ra bước đột phá về phát triển sản phẩm du lịch, mang lại hiệu ứng lan truyền, kéo dài vòng đời sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam, bên cạnh việc thành lập một Ban tổ chức, Ban chỉ đạo để thống nhất triển khai các mặt công tác tổ chức Năm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Hồ Tấn Cường, việc quảng bá, xúc tiến phải được thực hiện từ trước khi diễn ra Năm du lịch, cần tuyên truyền đúng nội dung, thời điểm và phù hợp với thị trường khách du lịch cũng như mục tiêu nên tập trung vào các hình thức: họp báo, cổ động trực quan, website, báo chí và các ấn phẩm du lịch. Trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho việc tổ chức Năm du lịch quốc gia thường chỉ dành cho một số hoạt động như lễ khai mạc, bế mạc và một số hạng mục hạ tầng quan trọng, công tác xã hội hóa nguồn tài chính và huy động sự tham gia của cộng đồng là hoạt động cấp thiết cần đẩy mạnh. Khẳng định vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Nguyễn Thế Vinh cho biết: "Bên cạnh việc thành lập Ban vận động tài trợ để thu hút nhiều nhất các nguồn lực, các tỉnh cần có sự đầu tư kinh phí mang tính trọng tâm, trọng điểm. Một số sự kiện Năm du lịch quốc gia trước đây thường đặt nặng phần lễ, dẫn đến việc tập trung quan khách, khách du lịch địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Vì thế, việc tổ chức chương trình Năm du lịch quốc gia thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn đến phần hội, để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch và nuôi dưỡng sản phẩm lâu dài".
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để khẳng định vị thế của mình, du lịch Việt Nam cần xây dựng thương hiệu du lịch với những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, mang đẳng cấp quốc tế. Ðể đạt được điều đó, sẽ rất khó khăn nếu như mỗi địa phương chỉ hoạt động đơn lẻ, vì thế cần thiết phải có sự hợp tác, liên kết ở cấp vùng để phát huy sức mạnh tổng hợp. Việc liên kết vùng, miền trong Năm du lịch quốc gia sẽ tận dụng và phát huy được đồng bộ các ưu thế du lịch riêng của từng địa phương, từng vùng lãnh thổ, tránh được sự chồng chéo sản phẩm. Ðây cũng là cách giảm bớt áp lực cho địa phương đăng cai trong quá trình tổ chức các sự kiện với tần suất cao. Bên cạnh đó, phải kể đến cam kết của Hãng hàng không Việt Nam phát triển đội bay từ con số 78 máy bay năm 2012 đạt tới mức 137 máy bay năm 2017, bảo đảm vận tải cung ứng cho các đường bay đến những địa phương trọng điểm được chọn thực hiện Năm du lịch quốc gia.