Non nước Việt Nam

Múa lân: Phong tục dân gian đặc sắc trong các ngày lễ, Tết

Cập nhật: 02/02/2012 10:21:15
Số lần đọc: 2493
Xuân về, Tết đến nếu chỉ có mai vàng, đào hồng, bánh chưng, mứt kẹo… mà không có tiếng trống múa lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi rộn ràng của ngày Tết. Múa lân là một phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong ngày lễ lội. Múa lân được xem là loại hình văn nghệ dân gian với nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình và may mắn.

Từ xa xưa, lân là một linh vật, thường được đặt tại nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, ở các đình chùa. Do vậy, đầu lân và các điệu múa đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt. Vì thế múa lân phải giỏi võ, có thể lực tốt, sức dẻo dai để chịu dựng được thời gian biểu diễn kéo dài.

Ông địa bụng phệ, tay cầm quạt lá, mang mặt nạ, miệng cười rộng toét, hai hàm răng to đều, biểu hiện cho sự vui tươi, lạc quan và trù phú. Ông địa chỉ huy con lân, bảo gì lân cũng phải làm theo. Tuy nhiên, để có nhiều tiết mục hấp dẫn, lạ mắt người xem, đội trưởng đoàn lân thường sắp xếp để lân khi thì bướng bỉnh, lúc nghịch ngợm khó bảo, nhưng đoạn kết bao giờ cũng răm rắp nghe theo lời sai bảo của ông địa.

Tương truyền kể rằng: cách đây gần ba nghìn năm vào lần đầu tiên lân xuất hiện. Mỗi năm nó xuất hiện trên đất liền một lần, bắt người và thú vật ăn thịt, gieo rắc kinh hoàng cho khắp làng xa, xóm gần. Nhân dân kêu than, cúng vái và tìm nhiều cách diệt trừ nó nhưng đều thất bại. Trước một giống vật lạ vừa hung dữ, vừa mạnh bạo, con người tưởng đã chịu bó tay. Song, một ngày kia, có ông thổ địa xuất hiện, miệng cười toe toét, hiền hòa, tay cầm linh chi thảo nhử lân. Lân đi theo ông và ông đã dạy cho lân biết ăn cỏ. Lạ thay, ăn xong lân thuần tính, quy phục ông địa và biết nhảy múa làm vui cho mọi người. Dân chúng hò reo mừng rỡ, cuộc sống thanh bình trở lại. Từ đó trong dân gian truyền tụng: “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”. Về sau, hàng năm vào các ngày lễ, lân đều xuất hiện. Có điều là xuất hiện của nó lần này đều mang đến cho mọi người nhiều may mắn, làm ăn phát tài phát lộc.

Thông thường, một đội lân có khoảng từ 15 đến 25 người. Mỗi người một công việc gồm: Một quản trò, mấy anh lo trống, phèng la và khoảng 15 người múa. Thường một đám múa lân diễn ra khoảng 30 phút thì phải đổi phiên cả mươi lần. Những người múa lân thường là các võ sinh được luyện tập lâu ngày, kinh qua cả những bài võ lân dẻo dai, khéo léo. Sau đám múa lân, bỏ bộ đồ lân xuống là họ biểu diễn luôn mấy bài quyền, roi, kiếm, côn, song đao… phục vụ quan khách làm không khí ngày lễ hội càng thêm hào hứng, vui nhộn. Ngoài nghệ thuật múa lân, còn có nghệ thuật múa rồng, múa phượng rất hấp dẫn và độc đáo. Mỗi nghệ thuật múa là nét phong tục dân gian đặc sắc.

Trải qua bao thế hệ, múa lân (múa sư tử) đã được xã hội hóa để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Ngoài các ngày lễ Tết, lân còn xuất hiện trong các dịp khai trương thương hiệu, các buổi lễ động thổ, liên hoan hoặc chào đón khách quý nước ngoài với tư cách là những con vật thuộc bộ tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng) mang lại điềm lành, tạo bước khởi đầu tốt đẹp, thuận lợi. Vì vậy, múa lân không thể thiếu trong các bgày vui xuân đón Tết và các ngày lễ hội lớn của dân tộc.                                     

 

Nguồn: website báo BR-VT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT