Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Tổ chức lễ hội Bà Chợ Được

Cập nhật: 03/02/2012 08:02:09
Số lần đọc: 1745
Trong hai ngày 01 và 02/02/2012, (mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch), tại thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, (tỉnh Quảng Nam), lễ hội Bà Chợ Được đã được tiến hành. Đây là lễ hội dân gian mang tính tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của nhân dân xã Bình Triều nói riêng và các xã vùng Đông huyện Thăng Bình nói riêng.

Theo truyền thuyết, Bà Chợ Được họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Dần (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi sinh ra, Bà có những điểm khác lạ, là con nhà giàu có, đẹp người, đẹp nết, được nhiều người yêu mến, quý trọng… Bà mất ngày 19 tháng 1 năm Đinh Sửu (1817), dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, xã Bình Triều. Trước cảnh “sa thủy hữu tình” Bà hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp, làm nghề đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh và kêu gọi nhân dân lập chợ. Lâu ngày dân chúng đến mua bán đông đúc và trở thành chợ, tên gọi Chợ Được ra đời từ đó.

Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn xin phong sắc. Năm Mậu Tuất (1898), triều đình Huế ban sắc phong “Tề Thực Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”; năm 1924 Vua Khải Định lệnh tặng cho Bà “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”; năm Đinh Mão (1927) vua Bảo Đại gia tặng “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.

Nhằm tưởng nhớ công đức Bà sáng lập Chợ Được, hằng năm vào ngày mồng Mười và Mười Một tháng Giêng âm lịch (ngày nhận sắc phong đầu tiên), làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà và khoe sắc (rước sắc phong), người dân khắp nơi, đặc biệt là các địa phương vùng Đông huyện Thăng Bình về dự để xem cộ (đọc lệch của từ kiệu) rước sắc phong và tham gia các trò chơi dân gian, các cuộc thi đấu thể thao khác…

Theo ông Trần Ngọc Đội- Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thăng Bình, Hội cộ tổ chức vào ban đêm ngày 11 tháng Giêng, ngoài bàn rước sắc phong Bà, các nghệ nhân trong làng sáng tạo các bàn cộ có nội dung khác góp phần làm phong phú cho lễ hội. Năm nay lễ rước cộ có 6 bàn, gồm: Cộ ‘rước sắc phong Bà”, Cộ hoa “Thành tựu 15 năm chia tách tỉnh Quảng Nam”, Cộ “Hai Bà Trưng cửi voi đánh trận”, Cộ “Lý Công Ẩn dời đô về Thăng Long”, Cộ “Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống”, Cộ “Bác Hồ với Bắc Pó”.

Ngoài ra, vào hai ngày mồng 10 và 11, tại thôn Phước Ấm sẽ diễn ra các hoạt động thể thao như đua thuyền truyền thống, bóng đá, bóng chuyền; các trò chơi dân gian như: Hát bả trậu, thả hoa đăng, trò chơi cho trẻ em… và cúng Lăng Bà. Riêng tại lễ cúng Lăng Bà diễn ra vào sáng ngày 11 tháng Giêng, ngoài các nghi lễ tâm linh truyền thống, đại diện Ban trị sự quản lý Lăng sẽ đọc lại sắc phong của triều đình cho Bà; đồng thời đại diện các khu dân cư, tổ trong thôn mang các loại hoa, quả, nông sản, hải sản… sau một năm sản xuất và buôn bán tại chợ cùng hương, đèn… đến cúng Bà.

Cũng theo ông Trần Ngọc Đội, năm nay, các hộ dân trong thôn cũng đã tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí theo chủ trương “Xã hội hóa” để thực hiện các bàn cộ. Đặc biệt, UBND huyện Thăng Bình cũng đã xuất ngân sách 60 triệu đồng hỗ trợ thôn Phước Ấm tổ chức các hoạt động của lễ hội này.

Điểm khác biệt của lễ cúng Lăng Bà Chợ Được năm nay so với mọi năm là tại quê hương của Bà (thôn Mỹ Phiếm, làng Phường Chào, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc ngày nay) đã thành lập đoàn và mang hương, hoa, đèn… đến Chợ Được để cúng Bà, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng đức độ và công ơn của Bà đối với mọi người, qua đó nhằm phát huy đạo đức, truyền thống và tình người của quê hương.

Theo ông Nguyễn Minh Đức- Trưởng lão Ban trị sự Lăng Bà Chợ Được, lễ hội Bà Chợ Được là một lễ hội truyền thống, kết tinh tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: hội họa, trang trí, tạo hình, diễn xướng, đua thuyền, rước cộ…. đậm chất dân gian. Đặc biệt, trong hội cộ tổ chức vào đêm 11 tháng Giêng, ngoài bàn rước sắc phong, các nghệ nhân sáng tạo các bàn cộ có nội dung phong phú cho lễ hội và khi bàn cộ đi qua, các gia đình hai bên đường lập bàn hương án (biểu thờ) trước nhà nghênh đón để tri ân và cầu mong một năm nhiều điều may mắn.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT