Lễ hội Kinh Dương Vương - điểm đến của du lịch văn hoá gắn với di tích lịch sử
Sau lễ dâng hương tại đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ, nghi thức rước kiệu từ Đền ra Lăng Kinh Dương Vương và từ Lăng trở lại Đền theo nghi lễ truyền thống. Trong đoàn rước có các hoạt động như: múa lân, múa rồng, điểm nhấn là rước kiệu Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân – Âu Cơ, tổ chức tế lễ theo nghi thức cung đình và làm lễ Nguyên tiêu...
Đến nay, trên trục đường đê chính về Lăng Kinh Dương Vương và tại hai xã Đình Tổ và Đại Đồng Thành, các cơ quan chức năng của huyện Thuận Thành đã phân làn đường, treo băng rôn, khẩu hiệu, chỉ dẫn tuyên truyền và hướng dẫn du khách. Ban Chỉ đạo lễ hội của huyện đã duyệt các phương án phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự. Đội kiểm tra liên ngành tăng cường cùng xã Đại Đồng Thành rà soát lại các điểm kinh doanh và dịch vụ văn hóa, bảo đảm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động tôn giáo trái phép, các hoạt động mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm không lành mạnh. Phòng y tế đã triển khai công tác vệ sinh phòng dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường nhân lực và phương tiện chăm sóc sức khỏe nhân dân và khách thập phương về dự lễ hội.
Lễ hội Kinh Dương Vương nhằm nâng cao giá trị truyền thống lịch sử văn hoá và hướng tới hình thành tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hoá tín ngưỡng ở Thuận Thành như: Chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu; Chùa Bút Tháp và Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; Làng Tranh Đông Hồ và nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Trung tâm lễ hội năm nay là Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân–Âu Cơ ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành.
Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương với tổng mức đầu tư hơn 47 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 30 ha do Sở Văn hoá - thể thao và du lịch Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia vào năm 2008.