Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ hội chọi trâu cổ ở Vĩnh Phúc

Cập nhật: 08/02/2012 15:47:53
Số lần đọc: 1866
Hội chọi trâu xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày 16, 17 tháng giêng âm lịch hằng năm, thu hút hàng vạn du khách. Đây là một lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa, độc đáo, mang nhiều ý nghĩa.

Bao nhiêu năm nay, người dân vẫn truyền nhau câu ca:

Dù ai đi đâu, ở đâu
Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu

Tương truyền, lễ hội có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Lúc này, nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, để động viên tinh thần binh sĩ khi thắng trận, thừa tướng Lữ Gia cho mổ trâu khao thưởng quân sĩ, dân làng ăn mừng chiến thắng và đặt ra trò đấu ngưu (chọi trâu) nhằm khích lệ khí thế quân sĩ và người dân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ ông làm thành hoàng của làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Hằng năm, cứ đến ngày 16,17 tháng Giêng người dân trong xã lại nô nức tổ chức lễ hội chọi trâu vừa để tưởng nhớ đến công ơn của thừa tướng Lữ Gia vừa là hoạt động văn hóa truyền thống, khích lệ tinh thần người dân địa phương bước vào năm mới. Hội chọi trâu được lưu truyền qua nhiều đời, trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương. Lễ hội gián đoạn từ năm 1947 và đến năm 2002 mới được khôi phục lại.

Khác với lễ hội chọi trâu khác, trâu chọi thường do các cá nhân hoặc các xã trong một huyện mua về chăm sóc nuôi dưỡng. Còn ở Hải Lựu các ông cầu được các xóm, thôn, làng, họ tộc, hay các tổ chức cựu chiến binh, người cao tuổi... nuôi dưỡng, huấn luyện. Để có những “ông cầu” phục vụ vào đúng lễ hội, ngay từ đầu năm trước, những người nuôi trâu chọi phải đi khắp các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai… để tìm mua trâu tốt và huấn luyện theo những phương pháp đặc biệt. Đến tháng 9 âm lịch, các chủ trâu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào lễ hội. Đến ngày 15 tháng Giêng, tất cả các trâu tham gia thi đấu đều phải làm lễ trước Thành hoàng làng, sau đó được gọi là “ông cầu”.

Các trận chọi trâu ở lễ hội luôn diễn ra đầy kịch tính và hấp dẫn, thu hút hàng vạn người đến xem. Năm nay là cuộc so tài của 28 “ông cầu” được chia thành 14 cặp đấu vòng loại, 14 trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng đấu loại thứ hai, bảy trâu thắng sẽ tiếp tục vào vòng ba. Tiếp đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức bốc thăm chọn ngẫu nhiên một trâu chờ vào vòng chung kết đấu vòng tròn tranh giải nhất, nhì, ba với ba trâu thắng ở vòng loại thứ ba.

Những làng nào có ông cầu chiến thắng thì năm đó làng gặp nhiều may mắn, mọi người mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Dù thắng hay thua, những “ông cầu” sau đó đều được mổ thịt, bán rộng rãi cho người tham dự lễ hội. Điều đó, theo quan niệm sẽ mang đến sự may mắn và sức mạnh trong cả năm.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT