Non nước Việt Nam

Nghề dệt chăn thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Tày, Lào Cai

Cập nhật: 17/02/2012 16:21:08
Số lần đọc: 3996
Ngoài các công việc hàng ngày, mỗi năm, một phụ nữ dân tộc Tày ở Lào Cai phải dệt được một mặt chăn thổ cẩm mới là người đảm đang.

Người con gái Tày từ trước và sau khi đến nhà chồng, phải dệt được 5 tấm vải xô, hai tấm vải thổ cẩm mới là phụ nữ chuẩn. Ai không đạt được mức đó coi như kém, bị làng xóm chê cười. Do đó, trước lúc đi sợi nền dệt vải, ông chủ nhà phải lập mâm kim ngân vàng bạc trình ma tổ, cầu xin các cụ phù hộ cho bà chủ và con cháu đi mẻ nền dệt vải này thành công. Khi dệt xong vải, mới mổ gà trống thiến hay lợn con làm mâm cỗ cúng ma tổ, mời anh em, bà con xóm gần đến ăn mừng thành công của mẻ đi nền tấm dệt.

 

Theo các nghệ nhân có tay nghề cao cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của người Tày đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn của phụ nữ, không phân biệt tuổi tác (từ 10 đến 60 tuổi) đều có thể dệt vải. Sản phẩm làm ra không mang tính chất hàng hóa, mà phục vụ chính nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình. Do đó, công việc dệt vải chỉ được tiến hành sau khi đã làm xong công việc đồng áng, tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi vào buổi trưa hay ban đêm để tranh thủ dệt vải.

 

Mặt nền của tấm vải dệt ra mang hai gam màu chủ đạo là màu trắng và màu đen. Sợi vải cho nền trắng là màu tự nhiên của sợi bông kéo ra từ nguyên liệu bông, có màu trắng tự nhiên của từng loại vải và cách chế tác ra sản phẩm. Nền màu đen là từ sợi trắng của sợi bông nhuộm với chất liệu nước cây chàm ngâm với vôi bột tạo thành keo phẩm nhuộm xanh đậm như mực cửu long. Để có được độ đen như ý muốn của người dùng, người ta nhuộm làm nhiều lần, càng nhuộm nhiều độ đen càng đậm, có thể ba, bốn lần, cũng có khi nhuộm trên chục lần. Sau khi có được màu của sợi dệt, người dệt sẽ phối màu các loại họa tiết tạo nên một tấm mặt chăn hoàn chỉnh. Trước kia không có phẩm màu công nghiệp, chủ yếu lấy chất liệu từ các loại cây cỏ trong tự nhiên tạo nên, do đó màu sắc không được sáng như các loại len màu hiện nay, nhưng cũng phân biệt được rõ các màu trên tấm dệt. Cách bố cục họa tiết trên mặt chăn thổ cẩm của phụ nữ Tày cũng rất đa dạng, nếu biết cách bố trí hài hòa sẽ cho màu sắc tương phản cân đối, tấm chăn thổ cẩm sẽ rất bắt mắt. Nghệ nhân trước khi dệt chỉ cần đan mẫu hoa một lần trên que tế, đủ tạo hình cho từng mảng hoa. Khi thao tác dệt cứ theo que tế  và cách dệt là được mặt chăn thổ cẩm cho việc khâu chăn trước khi sử dụng. 

Các loại hình được đưa vào mặt chăn thổ cẩm cũng rất đơn giản, gắn liền với cuộc sống lao động hàng ngày của đồng bào vùng sơn cước. Người Tày nhìn thấy những con thú có hình hài quen thuộc, thấy các loại hoa lá, cây quả đẹp, thì sẽ hóa thân những thứ ấy trên mặt chăn thổ cẩm của mình.

 

Tiếng kẽo kẹt của khung cửi, hòa quyện với đôi tay khéo léo của người phụ nữ Tày, đã giúp nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Tày truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dệt thổ cẩm là một nét đẹp văn hóa, nét văn hoá đậm đà bản sắc thể hiện ở chỗ các công đoạn chế tác công phu với nghệ thuật khá điêu luyện, nhất là các nét, các gam màu trong mặt chăn thổ cẩm mang tính chất dân tộc rất độc đáo, vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế, không lẫn vào tính cách dân tộc khác.Trong 12 kiểu hoa văn trên từng tấm mặt chăn thổ cẩm là 12 giải tranh sơn thuỷ hữu tình mang bản chất của đồng bào miền núi gắn với các con vật, cây lá, hoa quả của miền sơn cước, đẹp như hoa, như cảnh trí núi rừng, trong như nước suối ban mai, e ấp, tế nhị như bản chất con gái Tày.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT