Non nước Việt Nam

Lễ hội Kim Bình: Điểm đến mới của khách du lịch

Cập nhật: 20/02/2012 16:49:13
Số lần đọc: 1728
Xã Kim Bình cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) 15 km, với những di tích lịch sử in đậm truyền thống cách mạng hào hùng, phong cảnh hữu tình, phong tục tập quán các dân tộc phong phú, con người mến khách... Những nét đặc trưng ấy được khẳng định đậm nét, ấn tượng trong lễ hội Kim Bình, được tổ chức ngày 14 tháng Giêng âm lịch.

Anh Ma Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, năm 2012 là năm đầu tiên xã tổ chức lễ hội. Từ năm nay, xã lấy ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tổ chức lễ hội này. Lễ hội không chỉ là dịp tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc.


Phần lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nhà làm việc của Bác Hồ được tổ chức trang nghiêm. Bà Triệu Thị Nhung, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình xúc động chia sẻ, lễ hội là sự mong chờ của người dân Kim Bình từ lâu lắm, người già chúng tôi được bày tỏ lòng thành kính với Bác Hồ, với những liệt sỹ đã khuất. Mong rằng lớp trẻ hôm nay sẽ nối tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong kiến thiết dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Điều đó mới thật đáng quý và tự hào biết bao.

 Trong âm hưởng miền quê cách mạng, khi tiếng trống khai hội cất lên ai ai cũng đều náo nức trảy hội, du xuân. Tiết mục múa Màng (múa cầu mùa) của những chàng trai, cô gái Dao Tiền, thôn Bó Củng khiến ai nấy đều ngẩn ngơ. Bởi nét đẹp hồn hậu, chất phác của những người con núi rừng Kim Bình, của dòng suối Cổ Linh vẫn ngày đêm chảy giữa đại ngàn hùng vĩ. Tất cả như ẩn hiện trong từng nhịp múa đều đặn, họ mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cho mọi vật sinh sôi nảy nở, cho con người sức khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu…


Đến lễ hội, du khách còn được đắm mình với những trò chơi dân gian đặc sắc với màn mở đầu là hội tung còn. Cây còn được làm bằng tre cao từ 20 m đến 22 m, trên ngọn có gắn mặt nguyệt màu đỏ, tâm màu vàng, đường kính từ 45 cm đến 50 cm. Cây còn được dựng ở giữa sân Quảng trường thôn Bó Củng. Trước khi diễn ra hội tung còn, lãnh đạo xã mời các cụ cao tuổi trong xã tung còn trước thể hiện sự tôn kính, mong muốn các cụ sống lâu cùng con cháu. Sau đó, nhân dân và du khách sẽ cùng tham gia tung còn. Tiếng hát của cô gái Tày vang lên trong hội tung còn khiến bao chàng trai xao xuyến: Em tung còn trong hội xuân/Cầu sự may cho ngày đầu năm mới/Duyên có thắm thì anh cùng tung/Còn tung lên, em gửi trọn lòng anh. Phải chăng vì thế mà ai cũng mong tung còn trúng vòng đồng tâm nhất, đường đi đẹp mắt nhất để được là người may mắn nhất trong năm.


Trong hội xuân, ai nấy đều mải miết dõi theo những vòng tròn của các trò chơi dân gian đánh bàm, đánh yến, chơi cù… Riêng tôi, cảm nhận thật rõ trong từng ánh mắt của mọi người đến chơi hội: Ai ai cũng mong một năm mới nhà nhà no ấm, mạnh khỏe và yên vui.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT