Non nước Việt Nam

Đặc sắc nét văn hoá dân gian trong hội làng Quả Linh – Nam Đinh

Cập nhật: 22/02/2012 10:35:57
Số lần đọc: 1817
Làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) vốn có tên là làng Gạo vì có chợ bán nhiều gạo. Làng Gạo xưa có 4 giáp, 19 ngõ, mỗi ngõ có 1 điếm. Trải qua biến động của lịch sử, làng vẫn duy trì được 11 điếm, vừa là nơi thờ tự, nơi sinh hoạt văn hoá (chơi cờ, vật võ, đánh chắt, đá nhô), vừa là nơi canh gác, hội họp, bàn bạc việc xóm làng. Đền làng Gạo thờ vị thần giúp đỡ nhân dân cày cấy và 18 vị tổ tiên các họ đến lập ấp từ thời Hùng Vương, hiện còn giữ được khá nguyên vẹn về kiến trúc và các đồ tế tự, nghi trượng có giá trị nghệ thuật cao.

Ngoài lễ thượng điền, hạ điền, lễ thường tân (cơm mới), hội chính của làng vào ngày mùng 6 tháng Giêng với nhiều hoạt động: tế thần, rước kiệu. Đặc sắc nhất là đám hát làng Gạo với hàng chục trò chơi dân gian phong phú, vừa mang tính trí tuệ, vừa mang tính dân dã, ai cũng có thể tham gia. Đám hát gồm một miếu thờ, làm kiểu bốn mái, có nền cao và tường bao xung quanh một sân rộng, trước sân là hồ bán nguyệt rộng hàng mẫu. Theo truyền thuyết thể hiện trong các bài dân ca còn lưu truyền trong dân gian, đám hát làng Gạo đã có từ lâu đời, trải qua nhà Lý, nhà Trần: “Vua Trần có lệnh tuyển binh/ Chống giặc Nguyên thắng, thái bình xướng ca/ Ba năm một lệ làng ta/ Dần, Thân, Tỵ, Hợi múa ca tưng bừng”. Trước đây người dân làng Gạo cứ 3 năm vào đám 10 ngày. Trước ngày chính hội, làng chuẩn bị đóng rạp, kéo cờ, tập tế, kén trai gái rước thần, rước tổ. Từ mồng 8 đến 18/3 (âm lịch), các hoạt động tế lễ, đàn hát, vui chơi diễn ra, thu hút đông đảo dân làng tham gia. Tương truyền, xưa làng Gạo là một kho lương của nhà Trần, gọi là “đụn gạo”. Vì vậy, hội thái bình xướng ca kỷ niệm sự kiện vua Trần thắng trận của làng thường tổ chức kéo dựng đình đụn bằng rơm. Đình đụn tượng trưng cho sự no ấm, thóc gạo đầy kho, gửi gắm ước mong được mùa lúa tốt của cư dân nông nghiệp. Đúng như câu ca “Mười bảy là ngày thi văn/ Học trò gióng giả lĩnh văn vào làm”, hội làng Gạo có thi thả thơ là trò vui tao nhã mang tính trí tuệ của giới sỹ phu văn thân đương thời. Ban giám khảo gồm các bậc khoa cử trong làng hoặc địa phương khác được mời tham gia. Các cụ ra những vế câu đối để người thi bắt và đối lại hoặc ra đề bài thi làm thơ bát cú, tứ tuyệt, bài phú… Ai làm hay, làm đúng đều được thưởng. Với ý nghĩa của một lễ hội ca hát cổ truyền ăn mừng chiến thắng quân Nguyên Mông có từ thời Trần nên hội làng Gạo cũng là nơi hội tụ nhiều cuộc thi mang tính văn nghệ như: Thi đọc mục lục - một bài chúc ước làm theo thể phú nôm, ca ngợi cảnh đẹp thanh bình, yên vui của làng quê Quả Linh, đời sống ấm no, an nhàn của người dân; thi hát chèo, hát chầu văn trong đình; thi dệt vải nhanh trong khi dân làng đứng xung quanh hát vui chòng ghẹo để người thợ không tập trung dệt; thi đánh cờ đèn dưới nước bằng cách đóng cọc chăng dây theo hình bàn cờ trên mặt nước, dùng đèn giấy có dán tên quân cờ treo vào vị trí bàn cờ, ban đêm đốt nến trong đèn, hai người chơi cờ ngồi trên bờ xướng việc đi quân và ăn quân, một người chèo thuyền vừa hát, vừa nhấc quân theo lệnh. Đặc sắc nhất là thi hát trống quân, hai bên hát đối đáp nhau hoặc hát liên tục một bài ca theo nhịp trống giục và sự hò reo cổ vũ của người dân, ai đối đáp không được hoặc không hát nối tiếp được phải nhường cho người khác vào thay. Theo người dân trong làng, hát trống quân không chỉ diễn ra vào dịp lễ hội tháng 3 mà vào Trung thu tháng 8, hầu như sân điếm nào của xóm cũng như ở sân đình, dân làng lại tụ tập ca hát vui vẻ. Ngoài ra, hội làng Gạo còn có nhiều trò vui như: chơi tam cúc điếm, múa rồng mây, thi thuyền chở lương, chơi đu, múa kiếm, múa roi, vật võ, múa sư tử… Điều đặc biệt là các trò chơi đều diễn ra trên nền các câu hát dí dỏm, dân làng đứng xung quanh đế vào, làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, rộn rã.

Kể từ năm Nhâm Thân (1992), hội làng Gạo được khôi phục trở lại với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và hoạt động vui chơi. Từ đó đến nay, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, lễ hội độc đáo làng Quả Linh lại diễn ra đông vui, tấp nập, thu hút hàng ngàn người trong làng tham gia và du khách khắp nơi về dự. Những nét văn hoá đặc sắc của một làng cổ nhờ đó tiếp tục được duy trì, bảo lưu, góp phần vào việc gìn giữ, phát huy các di sản văn hoá của quê hương.

Nguồn: website báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT