Bắc Giang: Xây dựng "thương hiệu" cho lễ hội
Nếu như yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, dịch vụ là sự độc đáo, chất lượng, tiện ích của sản phẩm, dịch vụ đó thì "thương hiệu" đối với lễ hội chính là những giá trị đặc sắc, sự an toàn, văn minh của lễ hội, tạo niềm hứng khởi cho du khách thập phương.
Bắc Giang có hơn 500 lễ hội, chủ yếu là lễ hội dân gian. Đặc trưng của các lễ hội này là lưu giữ nhiều tín ngưỡng dân gian, những tinh hoa văn hoá đã được lưu truyền qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị văn hoá bị mai một, khuất lấp. Để khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá của lễ hội, những năm qua, công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức lễ hội được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh quan tâm. Theo đó, trong tổ chức lễ hội, phần lễ trang trọng; phần hội nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc được tổ chức, nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá vùng được duy trì. Ví dụ như: Lễ hội Yên Thế quan tâm bảo tồn bản sắc văn hoá, dân ca các dân tộc thiểu số, khôi phục các nghi lễ phóng ngư, thả diều. Lễ hội Bổ Đà kết hợp tổ chức liên hoan hát quan họ định kỳ hàng năm của huyện Việt Yên và hai năm một lần của tỉnh Bắc Giang. Lễ hội làng Vân khôi phục môn vật cầu nước. Lễ hội Thổ Hà chú trọng nghi lễ đám rước. Lễ hội Cầu Vồng thi trai tài, gái đảm. Lễ hội Tiếu Mai thi bơi trải… Đáng chú ý là các lễ hội đặc sắc diễn ra tại không gian di tích, cụm di tích tiêu biểu (đáp ứng tiêu chí một điểm du lịch) làm tăng tính hấp dẫn du khách như: Đình Thổ Hà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, di tích và danh thắng Suối Mỡ, di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là số lượng du khách, nhất là khách quốc tế đến với các lễ hội của Bắc Giang còn ít so với quy mô và sự đầu tư cho các lễ hội. Điều này có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là: Việc thông tin quảng bá các lễ hội còn hạn chế đến du khách và đặc biệt với các công ty lữ hành, những người làm du lịch. Nhiều lễ hội mới chỉ giới thiệu được lớp văn hoá bề mặt mà chưa phản ánh chiều sâu tín ngưỡng, văn hoá đã lắng đọng lâu đời, có hiện tượng bị phản ánh sai lệch. Trong buổi làm việc tại tỉnh Bắc Giang mới đây của đoàn công tác Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng, Cục văn hoá cơ sở khuyến cáo: Hiện tượng sân khấu hoá ở một số lễ hội dân gian nếu không cẩn thận sẽ làm sai lệch các giá trị bản sắc văn hoá, tín ngưỡng vốn là tinh hoa đã được lưu giữ lâu đời. Do vậy cần nâng cao năng lực quản lý, tổ chức lễ hội của các ban ngành chuyên môn trong việc xây dựng chương trình, kịch bản, bảo đảm tính chất dân gian của lễ hội, hạn chế việc lạm dụng những cái lai căng, gây phản cảm.
Để xây dựng "thương hiệu" cho lễ hội, một vấn đề nữa không thể xem nhẹ và chỉ riêng ngành văn hoá, thể thao và du lịch không thể làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ liên ngành, đó là công tác quản lý, tổ chức các hoạt động phụ trợ lễ hội như: dịch vụ ăn uống, trông giữ phương tiện, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn viên... cần được tập trung thực hiện nghiêm túc với chất lượng và hiệu quả cao, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm... Làm tốt điều này là thực hiện an toàn, văn minh cho lễ hội, mang lại sự hài lòng cho du khách, sức lan toả của lễ hội sẽ ngày càng vươn xa. Và như thế tức là bài toán xây dựng "thương hiệu" cho lễ hội đã được giải.