Hoạt động của ngành

Lâm Thao (Phú Thọ): Gìn giữ văn hóa thờ cúng Hùng Vương

Cập nhật: 24/02/2012 11:32:49
Số lần đọc: 3005
Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Huyện Lâm Thao hiện có 15 di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên -những năm gần đây  nhiều di tích và lễ hội ở Lâm Thao đã được khôi phục lại góp phần phát huy giá trị  trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

... Làng Vi và làng Trẹo nằm ngay dưới chân núi Hùng xưa kia thuộc thôn Triệu Phú xã Hy Cương, sau đó thuộc Chu Hóa và nay thuộc Thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao). Đình Đông - hay còn gọi là đình Vi Cương (Thị trấn Hùng Sơn) - thờ 18 đời Vua Hùng và thờ thần núi Đột Ngột Cao Sơn, gắn liền với tâm linh tín ngưỡng tổ tiên - một nét độc đáo trong văn hóa tinh thần của người dân nước Việt.

 Đình được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX;  tu sửa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Năm tháng trôi qua, với ý thức bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống, Đình Đông đến nay vẫn còn chắc khỏe về kiến trúc với những di vật quý hiếm - trong đó có bộ kiệu bát cống chỉ được dùng trong những dịp lễ hội.

Lễ hội đình Đông (cùng với đình làng Trẹo) được tổ chức gắn với tục “đón Vua về ăn Tết” (ngày 25 tháng Chạp) và trò diễn “Rước chúa Gái” (ngày mùng 8 tháng Giêng). Rước chúa Gái (hay còn gọi là “rước chúa trai chúa gái”;  trò “Sơn Tinh đón dâu”) với nhiều tình tiết sinh động chính là tấm lòng của người dân đối với thần Tản Viên… Chúa gái được dân làng tuyển chọn kỹ lưỡng: Đó phải là người con gái xinh đẹp, nết na; tuổi từ 15 đến 18 và là con một gia đình văn hóa. Chúa gái được rước trên kiệu, từ đình Cả đi qua các thôn xóm phỏng theo tục đưa công chúa Ngọc Hoa về núi Tản theo chồng…

Cả hai làng Vi, Trẹo cùng rước chúa Gái. Các nữ tì xúm xít quanh kiệu, mang theo hộp trầu, gương, lược, quạt, hương… Đoàn rước đi đến đâu cũng được dân làng hưởng ứng, đi theo…

Ngày 9 tháng Giêng, xã Tiên Kiên có lễ hội truyền thống Đình Cả, hay còn gọi là lễ hội: “Đón vua về làng vui xuân”… Đình Cả có lịch sử xây dựng đã hơn 300 năm thờ các Vua Hùng và các vị thần: Đột Ngột Cao Sơn thánh vương thánh vị; Ất Sơn thánh vương thánh vị; Viễn Sơn thánh vương thánh vị. Trước Cách mạng tháng Tám dân làng vẫn tổ chức tế, lễ tại đình Cả…

Qua những cuộc kháng chiến, đình Cả xã Tiên Kiên đã bị phá hoại và lễ hội truyền thống cũng dần mai một... Năm 1987 đình Cả được khôi phục và năm 2010, lễ hội “đón Vua về làng vui xuân”  đã được phục dựng lại.  

Theo tục lệ hàng năm, cứ đến mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng, nhân dân trong làng (xưa kia gọi là Tam Giáp - gồm; giáp Phường, giáp Lum và giáp Đoài) lại hân hoan chuẩn bị lễ vật để dâng lên Vua Hùng và các vị thần. Lễ vật gồm: Thủ lợn, bánh chưng, bánh dày, rượu, muối, hương hoa... Sáng mùng 9, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình Cả vào Bãi rước (cách đình khoảng gần 1 km về phía Đền Hùng) để làm lễ. Xung quanh bãi rước có cắm cờ thần, trải chiếu ở giữa . Khi đoàn rước kiệu đến Bãi rước, hạ kiệu và lễ vật xuống, ông Chủ tế làm lễ cúng Vua Hùng và các vị thần để phù hộ cho dân làng mưa thuận gió hòa; an khang thịnh vượng...

Tục truyền khi nào tế lễ xong, thấy có gió thổi cờ bay nghĩa là các vị thần linh đã chấp thuận lời cung thỉnh của dân làng...

 Thờ cúng Vua Hùng, thờ cúng những người có công với dân với nước là một nét đẹp văn hóa theo đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con người Việt Nam; dân tộc Việt Nam. Đền Nhà Bà là một di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở thị trấn Lâm Thao - huyện Lâm Thao. Đền Nhà Bà thờ công chúa Nguyệt Cư (con gái Vua Hùng thứ 17) vợ của Lý Lang Công.

 

Để tỏ lòng biết ơn người đã có công đánh giặc giúp nước, dân làng Cao Mại (nay là Thị trấn Lâm Thao) lập đền thờ công chúa Nguyệt Cư (gọi là Đền Nhà Bà); hàng năm đều tổ chức tế lễ theo phong tục truyền thống của dân tộc.

Huyện Lâm Thao vinh dự tự hào bởi có nhiều di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những di tích này đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những di tích đã và đang được đầu tư tôn tạo để phát huy giá trị, ở Lâm Thao cũng còn có di tích đã xuống cấp; hoặc chỉ còn như phế tích rất cần được sự quan tâm của toàn xã hội để trùng tu, khôi phục lại để từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân...

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục