Hoạt động của ngành

Đồng bằng sông Cửu Long: Sẽ trở thành trọng điểm du lịch

Cập nhật: 20/03/2012 17:02:52
Số lần đọc: 1861
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với vùng biển rộng lớn, nhiều hòn đảo đẹp, với các khu rừng ngập mặn nguyên sinh, trái cây 4 mùa... lại nằm liền kề với TP.Hồ Chí Minh - cửa ngõ thuận tiện giao thương với các nước Đông Nam Á. Do vậy, vùng này được đánh giá là có nhiều lợi thể để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Chèo xuống ba lá tại Khu du lịch trang trại Vinh Sang. (Nguồn: vinhsang.com)Phát triển du lịch mang đặc trưng riêng

 

Các sản phẩm du lịch miệt vườn, sông nước ĐBSCL đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn trong du lịch Việt Nam đối với khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê, năm 2011, vùng ĐBSCL đã đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế và gần 5 triệu lượt khách nội địa.

 

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, về du lịch ĐBSCL có điểm độc đáo và có sự khác biệt so với các vùng, miền của cả nước với cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng phì nhiêu và nhiều biển đảo, với cây trái 4 mùa, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh đó, còn là nơi kết hợp hài hòa về tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng nhiều dân tộc anh em như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... với nhiều lễ hội dân gian truyền thống văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc và "tính cách con người Phương Nam”.

 

Sự phát triển đa dạng của những sản phẩm du lịch như du lịch miệt vườn, văn hóa lịch sử, sinh thái sông biển... với những điểm đến nổi tiếng như rừng dừa Bến Tre, Tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ); nhiều vườn trái cây trải dọc các dòng kênh; biển Hà Tiên và đảo Phú Quốc (Kiên Giang); phong cảnh Thất Sơn Bảy Núi (An Giang); Rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau và một số địa phương đặc sắc khác trong vùng, là nơi cuốn hút và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

 

Hiện nay, ĐBSCL đang được khảo sát, quy hoạch phát triển du lịch, từng bước đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho ngành du lịch; tạo các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước đồng bằng, nâng cao chất lượng phục vụ, nguồn nhân lực và tích cực trong liên kết vùng, liên kết phát triển với các tỉnh/thành trong cả nước. Đặc biệt là liên kết chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh – Trung tâm chuyển du lịch lớn nhất nước, đẩy mạnh liên kết tua, tuyến để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của du lịch vùng ĐBSCL.

 

Biến du lịch thành ngành đóng góp lớn trong nền kinh tế

 

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch vùng ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng – Tổng cục Du lịch cho rằng, mục tiêu được xác định sẽ phát triển du lịch vùng ĐBSCL thành ngành có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước. Để đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch vùng ĐBSCL cần sự quan tâm và tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, cần sự huy động xã hội hóa mạnh mẽ trong công tác đầu tư cho phát triển du lịch, thu hút các doanh nghiệp trong nước cũng như nguồn vốn nước ngoài nhằm tích cực đưa các định hướng quy hoạch thành hiện thực.

 

Trong Dự thảo chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến 2020, tầm nhìn 2030 cũng định hướng trên lãnh thổ vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển 3 khu và 6 điểm du lịch quốc gia, gồm các khu vực: miệt vườn Thới Sơn; biển, đảo Phú Quốc; rừng ngập mặn Năm Căn; khu sinh thái ngập nước Láng Sen, Đồng Tháp Mười; thị xã Hà Tiên; vườn quốc gia Tràm Chim; Núi Sam; Cù lao Ông Hổ.

 

Tuy nhiên, muốn đạt được các chỉ tiêu cơ bản trong định hướng phát triển du lịch vùng ĐBSCL, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn vùng, cụ thể: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế chủ yếu là khách sạn, các khu du lịch tổng hợp có chất lượng cao, các hình thức và phương tiện vui chơi giải trí và cung cấp các dịch vụ bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế; các cơ sở đào tạo, tuyên truyền quảng bá du lịch...

 

Theo đại diện Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cần thực hiện tốt chiến lược quy hoạch du lịch ĐBSCL, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế của vùng. Muốn làm được điều đó, trước hết xây dựng một lộ trình huy động vốn thật hấp dẫn, minh bạch; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, đường nối quốc lộ với các điểm du lịch, trong đó ưu tiên vận động nguồn lực cho các dự án khu du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn có tiềm năng./.

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Cùng chuyên mục