Hoạt động của ngành

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa”

Cập nhật: 07/03/2012 09:15:39
Số lần đọc: 1874
Ngày 6/3, tại Hà Nội, Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa” diễn ra với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Bảo tồn di tích...

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện và thừa nhận những nguyên nhân quan trọng cản trở công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa; tìm ra giải pháp, đưa ra những khuyến nghị chính sách cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Việt Nam một cách có hiệu quả nhất trong quá trình hiện đại hóa; đóng góp vào quá trình xây dựng chiến lược gắn văn hóa với sự phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia về Phát triển Văn hóa, UNESCO đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giữa bảo tồn di sản và quá trình hiện đại hóa tại Việt Nam thông qua nghiên cứu chuyên sâu tại một số địa phương trên cả nước. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu về việc bảo tồn và phát huy di sản trong quá trình hiện đại hóa tại các trường hợp: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), Tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) và văn hóa Cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng). Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả của nhóm nghiên cứu thực hiện.

Qua nghiên cứu các di sản, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy ba vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản văn hóa là: quan điểm và phương pháp bảo tồn văn hóa; sự thay đổi kinh tế - xã hôi và văn hóa; sự phát triển của kinh tế du lịch. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, quá trình trùng tu tôn tạo và quy hoạch di sản trong những thập niên vừa qua đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo tồn, ngăn chặn được sự xuống cấp, hư hại của nhiều di sản nhưng cũng tạo ra nhiều hệ lụy, nhiều tác động trái chiều. Trong đó, việc dỡ bỏ những di tích cổ để xây mới và bổ sung thêm những công trình kiến trúc mới trong không gian di tích đã phần nào làm giảm thiêng di sản đối với một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình hiện đại hóa, đời sống kinh tế của người dân ở các khu vực có di sản văn hóa có nhiều thay đổi cũng đã ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn. Phát triển du lịch đã tạo ra môi trường mới cho sự hồi sinh và phát triển của nhiều thực hành văn hóa truyền thống nhưng cũng lại làm thay đổi những giá trị văn hóa, xã hội và tâm linh của các di sản văn hóa phi vật thể.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu này và kinh nghiệm thực hành từ các mô hình trên thế giới, một loạt các khuyến nghị cho công tác hoạch định chính sách bảo tồn di sản đã được xây dựng và đưa ra cùng bàn thảo tại hội thảo. Theo đó, về quan điểm và phương pháp bảo tồn cần đảm bảo tính đa dạng văn hóa; đảm bảo tính tổng thể của di sản văn hóa; cần có sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm chỉ ra rằng: thụ hưởng các lợi ích từ di sản văn hóa là một yếu tố căn bản để duy trì và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng và các bên liên quan vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Bởi vậy, cần có những cơ chế đảm bảo việc chia sẻ một cách hợp lý về lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế, giữa chủ nhân của di sản với các bên liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng ý với việc cần nâng cao giáo dục cộng đồng và đào tạo cán bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các đại biểu nhất trí rằng, song song với quy định thể chế hóa các quan điểm và phương thức bảo tồn di sản, cần có các chương trình tuyên truyền, đào tạo để nâng cao trình độ đối với cán bộ quản lý văn hóa ở các cấp và nhận thức cộng đồng phù hợp với Luật di sản văn hóa và những công ước quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong xã hội hiện đại, sự tham gia trực tiếp và tích cực của thế hệ trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản, bởi vậy nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ là vấn đề cấp thiết bởi khái niệm di sản hay truyền thống luôn gắn liền với sự trao truyền, kế tục giữa các thế hệ; việc nâng cao nhận thức về giá trị của di sản cần được đưa vào trong hệ thống giáo dục, ở cả cấp phổ thông cũng như đại học./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục