Triển khai Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Trước bối cảnh và xu hướng đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Theo Chiến lược nêu trên, du lịch Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh trên cả hai hướng du lịch trong nước và du lịch quốc tế, nhất là du lịch quốc tế đến. Chiến lược khẳng định quan điểm phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Phương thức xã hội hóa sẽ được đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về tự nhiên và nhân văn cùng các thế mạnh đặc trưng các vùng, miền, tăng cường liên kết phát triển. Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến năm 2020 sẽ đạt từ 11,5% đến 12%/năm. Theo đà tăng trưởng đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón từ mười đến 10,5 triệu lượt du khách quốc tế và từ 47 đến 48 triệu lượt du khách trong nước với tổng thu nhập từ 18 đến 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 đến 7% GDP; tạo ra hơn ba triệu việc làm với 870 nghìn lao động trực tiếp. Ðến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch của nước ta sẽ tăng gấp hai lần năm 2020.
Chú trọng đầu tư sản phẩm, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực
Phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp hàng đầu trong những giải pháp của Chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao sẽ được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của quốc gia; của địa phương và các đô thị du lịch. Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo bảy vùng du lịch: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Ðông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Ðông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp thứ hai được đề cập là phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, trong đó việc quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, quy hoạch không gian công cộng, rồi thông tin, truyền thông, năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan phải bảo đảm được tính đồng bộ, đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách; đặc biệt là hệ thống các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch... Công tác đào tạo và phát triển nhân lực được tăng cường về chất lượng và số lượng, bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch và hội nhập quốc tế. Mạng lưới cơ sở đào tạo sẽ được quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại, đạt chuẩn hóa về chất lượng giáo viên và chuẩn hóa về giáo trình khung đào tạo. Việc tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch sẽ phù hợp nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước; chú trọng nhân lực quản lý và lao động có tay nghề cao; thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo, khuyến khích đào tạo tại chỗ và tự đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch. Theo đó, sẽ tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, trong đó chú ý các thị trường khách Ðông Bắc Á, Ðông- Nam Á và Thái Bình Dương, Tây Âu, Ðông Âu; mở rộng thu hút khách đến từ các thị trường mới: Trung Ðông, Ấn Ðộ. Phát triển mạnh thị trường trong nước, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Ðẩy mạnh xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến dịch quảng bá, xúc tiến với hình thức linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp các mục tiêu đã xác định, gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư và ngoại giao, văn hóa. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch, nhất là những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực này đặc biệt đề cao yếu tố phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương để bảo đảm tính thống nhất.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý
Với các giải pháp nêu trên, Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư và liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch. Thực hiện chính sách phát triển bền vững với chính sách ưu đãi phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cả trong nước và ngoài nước vào các lĩnh vực liên quan của du lịch. Về hợp tác quốc tế, ngành du lịch sẽ tích cực triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương đã ký kết; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, tăng cường hội nhập và nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Giải pháp cuối cùng trong Chiến lược phát triển du lịch là đổi mới, nâng cao công tác quản lý nhà nước về du lịch, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về du lịch; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Du lịch nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển; thực hiện tốt công tác hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch bảo đảm chất lượng và tính khả thi cao. Thực hiện thống kê, theo dõi, quản lý luồng khách và chi tiêu đối với du lịch ra nước ngoài trong mối tương quan không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trong nước. Ngành du lịch sẽ đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành, kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch. Trong phân cấp quản lý, chú trọng tạo sự chủ động, năng động của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư; nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh du lịch; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về du lịch, đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường trong hoạt động du lịch. Tiếp tục thực hiện đổi mới doanh nghiệp du lịch nhà nước theo hướng cổ phần hóa toàn bộ phần vốn nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực và thương hiệu mạnh, phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ; nhất là hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đề ra chương trình hành động, trong đó đặc biệt đề cao việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hoạch định chiến lược phát triển trên các lĩnh vực: phát triển thương hiệu, tiếp thị, đào tạo nhân lực; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng du lịch quốc gia và địa phương; triển khai thực hiện các đề án quốc gia về phát triển du lịch... Theo chương trình hành động này, đến năm 2020, du lịch Việt Nam cần nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn vừa qua, đồng thời tạo bước phát triển mạnh về chiều sâu, lấy chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả làm thước đo đánh giá để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðây là "kim chỉ nam" định hướng cho các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch là hạt nhân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện./.
NGUYỄN VĂN TUẤN