Khuyến cáo du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh
Gần 200 đại biểu khách mời là các chuyên gia cao cấp, lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành, giới nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế (Đức, Singapore, Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…) tham dự hội thảo.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực liên quan như môi trường, quy hoạch, giao thông, đô thị, đầu tư, tài chính…; các hãng lữ hành trong nước và quốc tế chuyên về sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng,... đã tập trung thảo luận về chiến lược phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững; du lịch di sản - những thách thức và giải pháp; du lịch Huế trước những mô hình mới và xu thế mới của ngành du lịch Việt Nam và thế giới; giải pháp liên kết con đường di sản và du lịch duyên hải Bắc Trung Bộ.
Nhiều chuyên gia khẳng định, do phát triển du lịch chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy đang tác động tiêu cực làm hủy hoại môi trường, việc phát triển du lịch di sản bền vững theo hướng tăng trưởng xanh đang trở thành sự chọn lựa tất yếu và thông minh của nhiều quốc gia.
Các mô hình du lịch xanh thành công được viện dẫn bao gồm: du lịch nông thị; du lịch cộng đồng gắn với công nghệ hiếu khách; xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường; phát triển du lịch di sản gắn với du lịch cộng đồng, mua sắm, giải trí…
Những năm qua, du lịch Thừa Thiên-Huế đã có những bước phát triển tích cực, song việc khai thác tài nguyên di sản vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với định hướng tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của Việt Nam và trong một vài năm tới, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương với chiến lược phát triển của một “thành phố sinh thái, thành phố di sản, văn hoá và thân thiện với môi trường”, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lựa chọn phát triển du lịch theo định hướng xanh bền vững, như: tập trung xây dựng các dòng sản phẩm văn hóa kết hợp với sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống Huế.
Theo KTS Hoàng Đạo Kính và Nhà sử học Dương Trung Quốc, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Thừa Thiên – Huế cần chú ý đến tính đặc thù vốn có về di sản văn hóa, di sản thiên nhiên... trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sống ít lệ thuộc vào tiện nghi.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Asiana Travel Mate Nguyễn Đình Ân cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch ở Huế không nên hình thành các công trình xây dựng qúa lớn và lưu tâm bảo tồn giá trị văn hóa làng. Theo ông Ân, ngoài những thời điểm có vẻ như “bội thực lễ hội”, cần có những sản phẩm khác để Huế có lượng khách đều, thường xuyên hơn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng đánh giá hội thảo không chỉ tập trung vào hệ thống lý thuyết của du lịch xanh, chiến lược và chính sách phát triển du lịch bền vững, mà còn đề xuất những hình mẫu thiết kế và quy hoạch điểm đến mang tính sáng tạo và bền vững, đề xuất cách thức làm thương hiệu, quảng bá - truyền thông cho một điểm đến hấp dẫn, đẳng cấp./.