Hành trang lữ khách

Phát triển du lịch kết hợp văn hóa dân tộc

Cập nhật: 04/04/2012 10:35:34
Số lần đọc: 1783
Có thể nói, Đà Lạt rất nhanh nhạy trong việc khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch. Đó là lý do tại sao trong một năm du khách có thể quay trở lại Đà Lạt nhiều lần mà không thấy ngán. Vốn là thành phố có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng lại có nhiều điểm tham quan du lịch.

Nhưng với những du khách khó tính, chừng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Ngoài tận dụng tối đa những cái sẵn có, ngành du lịch Đà Lạt đã chịu khó tìm tòi những sản phẩm du lịch mới lạ để hấp dẫn du khách và loại hình du lịch lửa trại kết hợp tìm hiểu đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc ít người đã thu hút du khách quay trở lại thành phố sương mù này.

Loại hình du lịch lửa trại, tìm hiểu đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc ít người ở Đà Lạt ra đời chừng vài năm trở lại đây, nhưng đã có sức thu hút đáng kể. Một người bạn của tôi đang là hướng dẫn viên của công ty du lịch tại thành phố Đà Lạt cho biết, trong chương trình tham quan của các đoàn khách, đặc biệt là khách nước ngoài đều yêu cầu có một đêm lửa trại. Bản thân những người làm du lịch đều cảm thấy thích thú tham gia những đêm lửa trại như thế. Trong cái không khí se se lạnh của núi rừng, giọng ca âm vang của các chàng trai, những điệu múa nhịp nhàng của các cô gái đã hòa lẫn với tiếng cồng chiêng trầm hùng, vang vọng làm du khách say sưa, chìm đắm. Hương thơm béo ngậy từ những xâu thịt nướng, cùng với những ché rượu cần mềm môi khiến những ai đã từng tham gia lửa trại đều mong có ngày trở lại.

Nhìn thành phố ngàn hoa, tôi bỗng nghĩ về “thủ đô resort”. Lâu nay, ngoài thiên đường nghỉ dưỡng chủ yếu dành cho khách nước ngoài với chi phí khá cao, sản phẩm du lịch ở Bình Thuận còn nghèo nàn và chưa thật sự thu hút du khách quay trở lại. Từ câu chuyện khai thác tiềm năng văn hóa của đồng bào dân tộc ở Đà Lạt khơi gợi cho chúng ta nhiều điều. Bình Thuận được xem là tỉnh có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống như dân tộc Chăm, Nùng, Raglây, K’ho, Châu Ro... Văn hóa đa dạng sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch nơi đây. Chẳng hạn như, dân tộc K’ho (xã La Dạ - Hàm Thuận Bắc, xã Phan Tiến, Phan Điền – Bắc Bình) nổi tiếng với nhiều những bài ca hay, những bài hát đối đáp rất có duyên. Đi với những bài hát đó là những nhạc cụ như sáo, kèn môi, khèn bầu, đàn, trống, chiêng… Không chỉ vậy, người K’ho còn có nhiều lễ hội truyền thống trong năm như Tết đầu lúa, lễ hội đâm trâu... Hay đời sống văn hóa của người dân tộc Châu Ro (tập trung ở xã Trà Tân – Đức Linh) cũng khá đặc sắc với những lễ hội Nhang rừng, Nhang lúa… kết hợp những dụng cụ âm nhạc độc đáo như cồng chiêng, đàn tren, kèn lúa, đàn Googkla… Ngoài ra, những điệu múa bà bóng, múa giã gạo, múa sàng sảy gạo, múa uống rượu... sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách nếu được tổ chức, khai thác. Nhiều du khách đến Bình Thuận rất thích các sản phẩm dệt, gốm của người Chăm. Nếu biết khai thác thêm các lễ hội của dân tộc Chăm như: Rija, Roya, Ramadan, Katê... (Trong đó, lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm), thì du lịch Bình Thuận sẽ sớm thoát khỏi cái bóng của “thủ đô resort”. Theo thời gian, các sản phẩm văn hóa đặc sắc ấy đang dần bị mai một nếu không có định hướng bảo tồn.

Hy vọng trong tương lai không xa, du khách đến với Bình Thuận sẽ được thưởng thức những đêm lửa trại đáng nhớ bên những giọng ca, điệu múa của các chàng trai, cô gái người dân tộc ít người và thỏa thích nhâm nhi bên ché rượu cần cay nồng./.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục