Bình Dương - điểm đến mới của Đông Nam bộ
Nằm gần trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tiếp giáp và nằm trong hệ thống vành đai giao thông của TP.HCM, Bình Dương có nhiều lợi thế lớn trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quy trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời là công cụ nâng cao chất lượng đời sống, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân địa phương.
Với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đối phát triển so với các địa phương trong khu vực, Bình Dương có khả năng kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông quan trọng trong vùng như đường Xuyên Á từ cửa khẩu Mộc Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các khu đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là TP.HCM. Tỉnh cũng có những thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch; Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị thuộc nhóm nhanh nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tương lai hướng đến việc phát triển thành đô thị trực thuộc trung ương sẽ tạo ra những lợi thế lớn để khai thác các loại hình du lịch dịch vụ.
Bên cạnh đó, hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên của Bình Dương có sự đa dạng, phong phú, gồm Hồ Dầu Tiếng, hệ thống sông ngòi cùng với miệt vườn trái cây tạo ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ ngơi. Đặc thù văn hóa gắn liền với 3 dòng sông huyền thoại của vùng Đông Nam bộ gồm sông Mêkông, sông Bé, sông Đồng Nai thuận lợi phát triển du lịch sông nước. Toàn tỉnh có 38 di tích và danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 di tích phổ thông chưa được xếp hạng. Đa số là các loại đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất, hơn 50 ngôi nhà cổ cùng nhiều mộ cổ và danh lam thắng cảnh như núi Cậu, núi Châu Thới, hồ Than Thở, Cù lao Rùa, nhà tù Phú Lợi… Ngoài ra, Bình Dương có 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống như sản xuất gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc,… Tiêu biểu như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm Lái Thiêu,… là cơ hội thuận lợi để Bình Dương khai thác và phát triển loại hình du lịch làng nghề đang được đông đảo du khách lựa chọn hiện nay.
Theo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, năm 2011, tổng lượt khách du lịch khoảng 3.800.000 lượt, đạt 100% kế hoạch năm. Doanh thu ngành du lịch đạt 491,744 tỷ đồng, đạt 91,6%, tăng 18% so với cùng kỳ 2010... Ông Đỗ Khắc Điệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết, theo kết quả thống kê mới nhất của sở, tổng lượng khách du lịch trong quý I/2012 của toàn tỉnh gần 950.000 lượt người. Trong đó, hoạt động lữ hành 7.950 lượt, hoạt động lưu trú 191.500 lượt, khách tham quan KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đạt 750.000 lượt, tăng 5,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước thực hiện đạt 174 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011. Đồng thời, tính đến tháng 3/2012, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 2 khách sạn, nhà nghỉ gồm 36 phòng, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 5,6 tỷ đồng và 1 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Như vậy, tính lũy kế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 230 khách sạn, nhà nghỉ và 18 đơn vị lữ hành quốc tế, nội địa.
Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 1.400 ha. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước 15-20%, các nguồn vốn khác 80-85%... Để thực hiện được quy hoạch này, ông Điệp cho biết, Bình Dương sẽ chú trọng vào các giải pháp ưu tiên gồm: nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; Tăng cường phối kết hợp giữa ngành du lịch với các ngành khác và với chính quyền các cấp; Thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, xúc tiến quảng bá, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch, hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng các sản phẩm đặc thù và giải pháp về nguồn nhân lực; Củng cố và mở rộng hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quản lý du lịch; quan tâm chất lượng dịch vụ. Đồng thời, tạo dựng một số thương hiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương theo các hướng chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái miệt vườn./.
Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định, phấn đấu đến năm 2015 tỉnh sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó có 43.000 lượt khách quốc tế. Năm 2020 đón 6,8 triệu lượt khách, trong đó có 63.000 lượt khách quốc tế. Năm 2025, dự báo thu hút khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế. Năm 2030, dự báo thu hút khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có 110.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, năm 2020 đạt khoảng 4.450 tỷ đồng. Hướng đến trở thành một địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ và trở thành điểm đến mới của vùng Đông Nam bộ. |
Nguồn: VEN