Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: Đưa hát then vào trường học

Cập nhật: 26/04/2012 11:55:04
Số lần đọc: 2946
Với mong muốn gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát then-đàn tính, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan đã tổ chức các lớp dạy hát then đồng thời khuyến khích giáo viên, học sinh nhà trường hát then trong các hoạt động văn nghệ. Với cách làm này, Trường THPT Lương Văn Tri trở thành một trong những ngôi trường tiên phong đưa hát then vào giảng dạy; góp phần bảo tồn một loại hình dân ca đặc sắc.

Hơn hai tháng nay, vào những ngày cuối tuần, em Phùng Bích Huyền, học sinh lớp 10A2 trường THPT Lương Văn Tri lại cùng các bạn miệt mài đến lớp hát then-đàn tính do nhà trường tổ chức để được học những làn điệu dân ca. Tại lớp học này, các em được truyền dạy từ cách cầm đàn, lựa phím, so dây cho đến những ca từ, giai điệu của bài hát, cách biểu diễn trên sân khấu....Hơn hai tháng-một thời gian chưa dài, nhưng bằng sự cần cù và niềm say mê với nghệ thuật, gần 20 học viên trong lớp học của Huyền đã có thể biểu diễn một số làn điệu quen thuộc.

    

Lớp hát then-đàn tính mà Bích Huyền đang theo học là khóa dạy hát then-đàn tính thứ ba được tổ chức tại Trường THPT Lương Văn Tri. Thầy giáo Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THPT Lương Văn Tri có hơn 90% học sinh là người dân tộc Tày, Nùng. Tuy nhiên từ năm 2005 trở về trước, cả giáo viên và học sinh của nhà trường hầu như không ai biết hát then, một số em biết hát nhưng lại không đánh được đàn. Trong các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ của trường cũng vì thế mà “vắng bóng” những làn điệu dân ca. Làm thế nào để học sinh hiểu và yêu thích hát then-đàn tính? Làm thế nào để học sinh biết đàn, biết hát dân ca để rồi chính các em sẽ trở thành những hạt nhân trong phong trào văn nghệ, góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc các thầy, cô giáo Trường THPT Lương Văn Tri mạnh dạn đưa hát then vào trường học; bắt đầu từ việc sưu tầm các bài hát then-đàn tính để phát lồng vào các chương trình phát thanh của Đoàn trường; tuyên truyền, khuyến khích học sinh, giáo viên tìm hiểu và tham gia hát then trong các chương trình văn nghệ, các hoạt động tập thể...

 

Mưa dầm thấm lâu; thông qua những hoạt động này, nhận thức của giáo viên và học sinh về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và hát then-đàn tính đã từng bước được nâng lên. Từ chỗ “vắng bóng” trong các hoạt động tập thể của nhà trường, những tiết mục hát then-đàn tính đã được biểu diễn trên sân khấu vào các dịp khai giảng, ngày nhà giáo Việt Nam, các hội thi, hội diễn văn nghệ... nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường. Không dừng lại ở việc khơi dậy phong trào, năm 2011, Trường THPT Lương Văn Tri chính thức đưa hát then-đàn tính vào giảng dạy ngoại khóa với việc mở lớp hát then cho học sinh lớp 10, 11 và mời giáo viên ở Trung tâm Văn hóa huyện trực tiếp truyền dạy. Cho đến nay, trường đã tổ chức được 3 lớp với gần 60 em tham gia; nhà trường cũng đầu tư trang bị 18 đàn tính, 2 bộ xóc nhạc để phục vụ giảng dạy và biểu diễn. Nhiều tiết mục hát then-đàn tính được giáo viên, học sinh của trường mang đi tham dự các hội thi cấp ngành, cấp huyện như Giai điệu tuổi hồng, Tiếng hát người giáo viên nhân dân đã đạt giải cao.

 

Là một loại hình dân ca đặc sắc của đồng bào Tày-Nùng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng, hát then-đàn tính trong vài năm gần đây đã được chú ý phát triển. Tuy nhiên, lâu nay loại hình này chủ yếu được giảng dạy trong các trường văn hóa nghệ thuật, các câu lạc bộ đàn và hát dân ca. Là một trong số ít trường phổ thông ở Lạng Sơn mạnh dạn đưa hát then-đàn tính vào trường học, Trường THPT Văn Quan đã và đang thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để lời then tiếng tính, để những làn điệu dân ca xứ Lạng tiếp tục bay cao, bay xa và sống mãi với thời gian./.
Nguồn: website báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục