Đặc sắc Lễ hội điện Trường Bà, Quảng Ngãi
Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ 05 - 07/5 (tức 15-17/4 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc thể hiện lòng thờ kính, biết ơn đối với Thánh mẫu Thiên Yana và các vị thần khác được nhân dân địa phương thờ phụng từ hàng trăm năm nay. Trong đó, các hoạt động chính của lễ hội điện Trường Bà được tổ chức vào ngày 06/5. Đây được gọi là Lễ Lệ xuân Trường Bà- Một trong hai lễ hội được tổ chức tại điện Trường Bà hằng năm.
Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau như: Lễ Mộc Dục, lễ Tế ngoại đàn, Lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, múa Cadháu, lễ chánh tế và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: Thi đấu cờ người, hát bộ, múa lân, thi đấu bóng chuyền. Lễ hội này chính là sự tích hợp nhiều lớp văn hóa của các dân tộc Chăm, Hoa, Cor, Việt… được thể hiện qua từng phần lễ và hội.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Theo nhiều di tích và văn bản để lại, vào khoảng thế kỷ 14-15, người Chăm đã đến sinh sống tại thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng và xây điện Trường Bà để thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thánh mẫu trong việc giúp dân tộc Chăm đi khai hoang, mở đất và sống no đủ.
Tuy nhiên, điều khác biệt của điện Trường Bà ở Trà Bồng so với những điện thờ Thánh Mẫu Thiên Yana trên địa bàn trong và ngoài tỉnh là, ngoài việc thờ phụng thiên thần Yana, người dân địa phương còn thờ phụng 2 vị nhân thần có thật khác trong lịch sử.
Bên cạnh đó, trong các hoạt động lễ hội tại điện Trường Bà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em. Nếu như Lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì cũng tại lễ hội điện Trường Bà, lễ hiến trâu, múa cồng chiêng… mang nét đặc trưng của đồng bào Cor địa phương. "Lễ hội Điện Trường Bà là lễ hội thể hiện thông điệp đầu tiên có nội dung gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong công cuộc mở mang bờ cõi và phát triển đất nước”- Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.
Không chỉ vậy, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác trong vùng… Do đó, đồng bào các dân tộc Chăm ở Châu Đốc, An Giang, người gốc Hoa ở Hội An và nhiều du khách thập phương khác cũng tề tựu đông đủ tại lễ hội lần này.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, quê ở Hội An, Quảng Nam cùng gia đình về dự lễ hội điện Trường Bà chia sẻ: Tôi đã đến Trà Bồng từ vài ngày trước để tham dự và chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa tích hợp của lễ hội. Được đi nhiều và chứng kiến nhiều lễ hội, nhưng tôi chưa thấy lễ hội nào lại mang tính riêng biệt, có sự phối hợp của nhiều nền văn hóa như ở đây.
Ý thức được ý nghĩa sâu sắc ấy, từ hàng trăm năm nay, người Việt, người Cor tại địa phương luôn phối hợp tổ chức lễ Lệ Xuân và Lệ Thu Trường Bà hằng năm một cách trịnh trọng nhất.
Ông Hồ Văn Nghĩa ở thôn 2 Trà Thủy chia sẻ: Cứ đến thời điểm rằm tháng 4 và tháng 8 âm lịch hàng năm, bà con người Cor chúng tôi lại tụ tập về điện Trường Bà để làm lễ cầu an và thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh. Mỗi dịp như vậy, chúng tôi đều dâng vật phẩm của rừng, làm lễ đâm trâu và múa Cadháu, chơi cồng chiêng… Đồng bào Cor từ xưa vẫn coi lễ hội Trường Bà là lễ hội chung, mang ý nghĩa đoàn kết của nhân dân miền xuôi và miền ngược.
Ông Nguyễn Xuân Bắc- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh điện Trường Bà mang tính lịch sử và ý nghĩa dân gian vô cùng cao quý và độc đáo. Việc tổ chức long trọng lễ hội nhằm giúp cho người dân hiểu biết rõ ý nghĩa gắn bó đoàn kết, giữa các dân tộc là truyền thống có từ rất lâu đời trong dân gian. Bên cạnh đó, lễ hội cũng đã thể hiện tốt chức năng trong việc thu hút khách du lịch, góp phần phát triển thương mại- dịch vụ tại địa phương.
Lễ hội điện Trường Bà đã mang lại nhiều ý nghĩa cùng giá trị nhân văn và giáo dục sâu sắc. Đây như là một di tích sống khẳng định tinh thần đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược. Với tinh thần đó, di tích lịch sử văn hóa điện Trường Bà và lễ hội hằng năm tại đây xứng đáng được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau./.