Hát kể - Một phong tục độc đáo của người Phù Lá vùng Tây Bắc
Với dân tộc Phù Lá, tiếng kèn là biểu tượng cho sự thiêng liêng không thể thiếu trong một đám cưới, bởi họ quan niệm hạnh phúc lứa đôi cũng giống như tiếng kèn, phải có cặp thì khi ngân lên mới tạo nên sự đồng điệu, xúc cảm trong lòng người. Nhưng điều đặc biệt diễn ra đám cưới này là lối hát kể - một trong những bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Phù Lá.
Hát kể là thể loại độc đáo trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Phù Lá và được truyền từ đời này sang đời khác. Theo quan niệm của họ, chu kì đời người gồm bốn giai đoạn: sinh ra, trưởng thành, xây dựng gia đình và già yếu rồi chết. Mỗi mốc thời gian bắt đầu một chu kì đều gắn với nhiều lễ hội đặc trưng mang ý nghĩa khác nhau và không thể thiếu hát kể - hình thức truyền tải câu nói mang giai điệu với giá trị nhân văn sâu sắc.
Trước giờ đưa dâu, bố mẹ cô gái hát kể dặn dò con gái khi về nhà chồng: “Con gái của ta ơi, con về nhà chồng chịu khó nhé. Hôm nay bạn bè, anh em đến để mừng cho con về nhà chồng đấy”. Tiếng hát của đấng sinh thành cất lên chan chứa yêu thương, trách nhiệm và sự xúc động vì sắp phải xa con. Đáp lại tình cảm mẹ cha, cô dâu khóc thật to, tiếng hát đầy nghẹn ngào, da diết: “Hôm nay con xin phép về nhà chồng, bố mẹ đừng nhớ con. Con cũng lo làm ăn sao cho giàu có bằng chị bằng em, như mọi người trong bản”. Không khí nhà gái lúc này trầm xuống, tiếng kèn cũng dịu dàng, sâu lắng hơn, khuôn mặt mọi người trầm ngâm như đang suy tư điều gì.
Sau khi cô dâu cúi sát đất lạy bố mẹ 3 lạy, nhà trai đưa cô dâu bước ra cửa, lúc này họ hàng nhà gái liền chạy đến kéo cô dâu lại, nhà trai tranh kéo cô dâu đi, hai bên giả vờ giằng co và cuối cùng nhà gái phải thua để cô dâu bước ra khỏi cửa. Theo người Phù Lá, đó là hành động bày tỏ sự lưu luyến tiễn cô dâu về nhà chồng. Ra đến sân, bố mẹ nhà gái chạy lại hát: “Con chim đi xây tổ phải có rơm có rác, con trâu phải có cày, con người phải có của cải” và tặng con gái của hồi môn. Cùng lúc đó, họ hàng nhà gái bắt đầu hát tiễn đưa dâu với ý “chê bai” nhà trai: “Lợn nhà trai bé bằng con chuột, bánh nhà trai bé bằng ngón tay, rượu nhạt như nước lã…”. Nhà trai nghe xong liền hát đối đáp lại: ”Họ nhà trai chúng tôi cần lễ thì đã mang đủ lễ vật đến, ông bà đừng trách nữa”. Những câu hát hai bên gia đình dù chỉ là nghi lễ nhưng đã tạo nên không khí lúc sôi nổi, rộn rã, khi trầm xuống đầy tình tự, quyến luyến trong lễ cưới và gây ấn tượng mạnh với những ai lần đầu chứng kiến.
Khi rước dâu đến cửa nhà trai, đội kèn phải đứng trước ngưỡng cửa để cô dâu làm lễ trong sân rồi mới bước vào nhà. Hai người thổi kèn dàn ra hai bên để cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng trong sự thiêng liêng, trang trọng. Tiếng kèn trở nên dồn dập, da diết hơn, khiến cho người tham dự trào dâng cảm xúc. Từ đây, đôi trai gái Phù Lá chính thức trở thành vợ chồng trước sự chứng kiến của toàn thể họ hàng và bà con trong thôn bản. Mọi người trong bản tổ chức tiệc rượu và nhảy múa vui vẻ ở nhà trai đến tận đêm khuya./.