Nâng tầm vị thế du lịch Bình Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực
Trung tâm du lịch quốc gia
So với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh…du lịch Bình Thuận còn khá non trẻ. Nhưng với tiềm năng, các chính sách phù hợp và sự quan tâm của địa phương ngành du lịch liên tục tăng trưởng bình quân hàng năm từ 25-35% cả lượng khách và doanh thu. Như lượng khách đến trong năm 2011 đã vượt 2,8 triệu lượt theo kế hoạch, tăng so với năm 2010 hơn 16%, doanh thu 2011 đạt hơn 3.352 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010.
Hiện nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đang quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung về xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch, thương hiệu du lịch vùng, điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch. Trong thương hiệu du lịch biển Bình Thuận có chứa đựng những giá trị hình ảnh được nhiều người biết đến như: Mũi Né - Hòn Rơm, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù lao Câu đa dạng sinh học, đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, mũi Kê Gà… Bên cạnh đó còn có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như: tháp Chăm Pôdam, PôShanư, Trường Dục Thanh, dinh Thầy Thím. Có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội phong phú, nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng như: nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận…
Để xứng tầm là một trong năm trung tâm du lịch biển quốc gia trong tương lai gần (gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang), Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục đích định hướng chính cho sự phát triển du lịch Bình Thuận. Đó là định hướng các khu vực có tài nguyên du lịch thuận lợi để phát triển; Định hướng tài nguyên du lịch có khả năng phát triển; Định hướng thị trường khách du lịch phù hợp với tài nguyên du lịch; Đầu tư phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù; Đầu tư bảo tồn các công trình kiến trúc, di tích lịch sử nổi bật. Cùng với đó là sự quan tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thời gian đến Bình Thuận sẽ có các công trình văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia, sẵn sàng tổ chức thành công các sự kiện quy mô thế giới, chắc chắn vị thế của du lịch nghỉ dưỡng biển Bình Thuận sẽ còn bay cao và bay xa hơn nữa.
Trong quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mũi Né – Bình Thuận cũng đã được xác định là một trung tâm du lịch quốc gia để tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch chiến lược phát triển và xúc tiến quảng bá thương hiệu. Bên cạnh giúp sức từ Trung ương, du lịch Bình Thuận đã chủ động nâng tầm vị thế của mình thông qua các ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước. Bình Thuận tiếp tục tăng cường hợp tác về du lịch với TP.Hồ Chí Minh và Lâm Đồng xây dựng các tour, điểm đến với những thế mạnh đặc thù của từng địa phương nhằm thu hút du khách; và tam giác du lịch “TP.Hồ Chí Minh-Phan Thiết-Đà Lạt” hiện đang được kỳ vọng sẽ trở thành tam giác động lực quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại khu vực Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Bình Thuận cũng đã và đang có các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, hay xa hơn là với các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Tây nguyên để tranh thủ các liên kết từng bước đưa Bình Thuận xứng đáng là một trung tâm du lịch của quốc gia.
Điểm đến hấp dẫn của khu vực
Việt Nam là một trong số các quốc gia có ngành du lịch phát triển nhanh trong thập niên qua. Sự góp phần của nguồn thu nhập du lịch vào GDP và cán cân thanh toán trở nên đáng kể và ngày càng gia tăng. Với các lợi thế về giá cả, nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa khá phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và là điểm đến mới, Việt Nam hiện là quốc gia đang thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, so với bức tranh tổng thể của ngành du lịch khu vực và thế giới, du lịch Việt Nam chỉ có tỷ phần khiêm tốn 2.3% và 1.8% trên lượng khách đến và thu nhập của khu vực, và vị thứ chỉ số cạnh tranh du lịch 17/25 và 89/133 trong khu vực và trên thế giới. So sánh với tỷ phần và vị thứ tương ứng của nước láng giềng Malaysia - 11.4%, 8.2%, 3/25, và 32/133 - Việt Nam sẽ phải cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để có thể thu ngắn khoảng cách phát triển ngành du lịch với các quốc gia có lợi tức trung bình như Malaysia và Thái Lan.
So với vị thế chung của ngành đối với khu vực, thời gian gần đây du lịch Bình Thuận nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với du khách các quốc gia lân cận mà còn của nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Điển hình là trong tổng số trên 300.000 lượt khách quốc tế đến Bình Thuận hàng năm có hơn 100 quốc tịch khác nhau, trong đó có những nước rất “khó tính” khi chọn điểm du lịch như: Nga, Mỹ, Canada, Brazil, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Phần Lan, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, trong khi ngành du lịch một số quốc gia khu vực chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới thì Mũi Né vẫn đều đặn tăng trưởng cả lượng khách quốc tế đến, thời gian lưu trú và chi tiêu. Đã có nhiều du khách và các hãng lữ hành quốc tế đánh giá Mũi Né không thua gì các trung tâm du lịch nổi tiếng khác của khu vực như: Bali (Indonesia), Pattaya (Thái Lan), Singapore, Manila (Philippine), Kuala Lampur (Malaysia)…Có được điều này không chỉ vì tiềm năng về thắng cảnh, điều kiện thiên nhiên mà còn là kết quả của công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh Mũi Né – Bình Thuận ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Để tiếp tục là “thiên đường nghỉ dưỡng” trong mắt du khách quốc tế, tỉnh Bình Thuận đã có chiến lược đầu tư và nâng cấp các loại hình giải trí cao cấp đặc trưng, tạo điều kiện ưu đãi và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng Mũi Né trở thành trung tâm spa và thể thao biển tầm quốc tế dựa trên những tiềm năng vốn có, tập trung nâng chất lượng toàn diện khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, tạo điểm nhấn để phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du khách quốc tế yêu thích như nghỉ dưỡng, thể thao biển, ẩm thực, văn hóa, mua sắm và giải trí cao cấp. Bên cạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng còn xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (biết ngoại ngữ) để phục vụ tốt nhất nhu cầu và sở thích của nhiều đối tượng du khách quốc tế khác nhau đang đến với Mũi Né ngày càng đông, góp phần vào mục tiêu đến năm 2015 Bình Thuận sẽ thu hút 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 500.000 lượt) và doanh thu đạt trên 7.500 tỷ đồng.
Trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Bình Thuận còn hưởng lợi từ việc ngành du lịch quốc gia tăng cường củng cố và mở rộng hợp tác song phương và hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế, các nước có khả năng và kinh nghiệm phát triển du lịch; thực hiện tốt hợp tác du lịch với các nước đã thiết lập quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam - Lào - Thái Lan, Việt Nam - Lào - Campuchia- Thái Lan - Myanmar; tiểu vùng Mêkông mở rộng, hợp tác du lịch sông Mêkông - sông Hằng; thực hiện các cam kết và khai thác quyền lợi trong hợp tác du lịch với Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA) và Hiệp hội du lịch Đông Nam Á (ASEANTA), Liên minh châu Âu (EU, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Trong các chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh luôn đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của địa phương và luôn khẳng định với những lợi thế rất riêng này chắc chắn sẽ đưa điểm đến Mũi Né – Bình Thuận sớm trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới, để cùng với cả nước phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia./.