Non nước Việt Nam

Thăm chùa Vàm Ray, Trà Vinh

Cập nhật: 22/05/2012 17:12:33
Số lần đọc: 3022
Được xây dựng trên diện tích rộng lớn, chùa Vàm Ray ở Trà Vinh hoành tráng, rực rỡ dù xây mới nhưng vẫn mang nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ. Hiện nay chùa được xem là một trong những ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong các ngôi chùa của người Khmer.

Từ thành phố Cần Thơ có nhiều đường đi đến chùa Vàm Ray. Đường đi phổ biến là qua quốc lộ 1A đến bến xe Vĩnh Long rẽ vào quốc lộ 53 đi Trà Vinh. Còn có tuyến theo quốc lộ 54 từ Bình Minh đi Trà Ôn-Tam Bình (Vĩnh Long) rồi qua thành phố Trà Vinh đi tiếp Trà Cú. Gần đây, thêm đường Nam sông Hậu đã đưa vào sử dụng, nhiều người chọn cung đường này để đến chùa Vàm Ray.

 

Sau gần 4 năm xây dựng, chùa Vàm Ray tọa lạc tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) được khánh thành vào ngày 09/9/2008. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo phủ lớp sơn như dát vàng từ mái đến tường. Các nhà sư đang tu tại chùa cho biết, kinh phí xây dựng chùa là do một doanh nghiệp ở địa phương đóng góp.

 

Lối vào chùa là chiếc cổng hoành tráng sơn màu mạ vàng, kiểu cổng Tam quan. Đỉnh cổng tạo hình những ngọn tháp nhọn chất chồng nhiều tầng. Nền trời xanh, không gian cây xanh bao quanh khiến cổng chùa càng nổi bật, buộc khách bộ hành đi qua phải đứng lại ngắm nhìn. Bước chân vào chùa người ta sẽ ngỡ ngàng gặp đầu tiên là ngôi chánh điện uy nghiêm. Chánh điện quay về hướng Đông như bao ngôi chùa Nam tông khác trên vùng đất Nam bộ. Những hàng cột cao vút và họa tiết hình vòm bao xung quanh tạo nét uy nghi mà thanh thoát cho công trình. Trên nóc là những mái nhọn 2-3 tầng chồng lên nhau và đỉnh là một hình tháp nhọn nhô lên cao vút giữa trời xanh. Các họa tiết, hoa văn, phù điêu từ chân đến đỉnh chánh điện được làm rất công phu. Tất cả được sơn son thiếp vàng nên công trình không chỉ uy nghi về kiến trúc mà còn mang vẻ lộng lẫy từ các ngôi đền tháp Phật giáo ở các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Lào...

 

Bên trong chánh điện, chỉ có một tượng phật lớn đặt trang trọng ở vị trí cao nhất. Một số tượng phật nhỏ được bố trí ở các vị trí thấp hơn. Không gian chánh điện rộng cao thanh thoát và mát mẻ tạo sự thoải mái cho du khách khi đến tham quan cũng như các tín đồ đến hành lễ. Các bộ cửa ra vào chánh điện được chạm khắc công phu từ những khối gỗ lớn và dày. Gỗ quý được nhập về từ nước ngoài. Người thợ mất nhiều thời gian chạm trổ những hoa văn trên mặt gỗ, tạo thành những tác phẩm hoàn mỹ. Giữa sân chùa có một cột hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những cái cột cách điệu hình rắn thần Naga. Thông thường, ở những ngôi chùa Khmer khác, tượng chằn được xây dựng ở các lối lên xuống hoặc tại các cửa ra vào của chánh điện nhưng ở ngay xung quanh chánh điện được bao bọc bởi một hàng rào trang trí bằng những tượng chằn Year mặt mày dữ tợn, mặc áo giáp với dáng ngồi bảo vệ ngôi chùa. Nhìn chếch về hướng Đông Nam của chánh điện là tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài hàng chục mét được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng.

 

Dù được xây dựng mới nhưng ngôi chùa vẫn có nét cổ kính. Du khách càng chiêm ngưỡng càng bị cuốn hút. Ngôi chùa trong tâm thức của người Khmer chính là nơi Phật ngự. Cứ mỗi dịp lễ, Tết truyền thống, dân cư ở các phum, sóc đổ về chùa như trẩy hội. Họ đến để làm lễ phật và cầu xin bình an, cúng dường để cầu được phước. Khi đó, ngôi chùa không chỉ là chốn tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. Đến đây vào các dịp Chôl Chnăm Thmây hay Đôl Ta, Ok-om-bok..., du khách sẽ hòa mình trong không gian văn hóa vừa mang tính tín ngưỡng thiêng liêng vừa mang tính lễ hội đặc trưng của người Khmer Nam bộ.

 

Ngày thường, chùa chỉ đón một vài đoàn tham quan mỗi ngày. Đến đây, du khách thoải mái tham quan và tìm hiểu chùa và nền văn hóa Phật giáo Nam tông từ các vị sư sãi đang tu tại chùa. Nếu thích không gian nhộn nhịp của hội hè, khách nên tìm hiểu về lịch Khmer để đến chùa Vàm Ray đúng vào các dịp lễ hội của người Khmer, nhất là sắp đến dịp Tết cổ truyền của người Khmer Chôl Chnăm Thmây, diễn ra vào giữa tháng 4 hàng năm./.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT