Mũi Né - Thiên đường du lịch
Với tôi có lẽ nó là một thiên đường giữa nhân gian, đó là Mũi Né, một trung tâm du lịch nổi tiếng của vùng đất Phan Thiết.
Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất đưa ra biển; "Né" có nghĩa là để né tránh. Và cũng được tương truyền rằng vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc um tùm. Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nan y, về sau xây dựng miếu am để tu tại Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né - lâu dần người dân đọc chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út - Mũi là mũi đất đưa ra biển. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu vàng của cát, màu óng của nắng và màu xanh thẳm của biển tạo cảm giác ấm áp và trong lành.
Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort mọc san sát nhau.
Khi đặt chân tới vùng đất này, du khách cảm nhận được vẻ yên bình, không ồn ào như những khu du lịch khác. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển này bởi con đường Nguyễn Đình Chiểu - được coi là tuyến trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận.
Khu nghỉ ngơi resort Biển Hồ Cốc có những gian phòng nhìn ra biển, một khung cảnh lãng mạn, một không gian nhìn ngút tầm mắt, một màu xanh trong của nước biển. Buổi tối bạn có thể ngồi trước ban công nhìn ra biển với màn đêm, những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Và cũng tại đây bạn có thể đi dạo trên bãi cát hay ngồi nhâm nhi một ly nước để cảm nhận những cơn gió mát rượi từ biển thổi về.
Buổi sáng trong lành của nơi đây luôn thôi thúc bạn muốn khám phá và lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi mặt trời mọc, một vành nia đỏ rực nhô lên từ phía chân trời. Những con sóng xô dạt dào vào ghềnh đá, bên trong hang nhỏ những con cua cứ thập thò, khi thấy người chúng thi nhau ẩn nấp.
Từ Hồ Cốc tiếp tục con đường ven biển đi về Bình Châu nhưng khi đến Bình Châu thì rẽ phải đi về Lagi, Hàm Tân. Từ Lagi, Hàm Tân đi tiếp qua Dinh Thầy Thím, qua Dinh Thầy Thím khoảng 20km nữa sẽ đến Mũi Kê Gà.
Tại đây ta thấy rõ một ngọn Hải đăng nổi lên giữa một hòn đảo nhỏ, đi buổi tối sẽ thấy đèn hải đăng xoay chớp lóe sáng. Mũi Kê Gà là nơi đón mặt trời lên sớm nhất Việt Nam.
Điều thú vị dành cho du khách khi đi ra ngoài hải đăng bằng thúng, một cảm giác vô cùng hồi hộp và phiêu lưu bởi những con sóng lớn dập dềnh, nhưng vô cùng thú vị.
Ngoài ngọn hải đăng còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng Tiên. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước, cho đến nay vẫn còn nguyên, tỏa bóng mát quanh năm góp phần tạo nên một nét đặc biệt cho vùng đất này.
Du khách có thể vượt qua 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép dẫn lên đỉnh tháp, tại đây du khách sẽ được tận hưởng cảm giác lâng lâng khó tả khi phóng tầm mắt ra bốn phía mây trời, thoả sức ngắm nhìn thiên nhiên, cuộc sống - tự thấy mình như một tiểu vũ trụ nhỏ bé giữa không gian đặc biệt mênh mông này.
Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam.
Ðến Mũi Né, du khách có thể tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi thể thao, du thuyền trên biển, dã ngoại kết hợp săn bắn, câu cá, chơi golf... Tại Mũi Né còn có Ðồi Cát, nơi từ bao năm qua đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ngoài các bãi biển và cồn cát, khu vực này còn có nhiều cảnh đẹp như suối Tiên, lầu Ông Hoàng, tháp Chàm Pô-Sha-Nư.
Khi đến với Mũi Né, du khách sẽ được trải qua những ngày nghỉ ngơi thư giãn cực kỳ hữu ích để lấy lại năng lượng cho chặng đường phía trước./.