Đắk Lắk: Phát huy tiếng nói và chữ viết của đồng bào Êđê
Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều có số lượng học sinh là người dân tộc Êđê tăng bình quân từ 10% trở lên và hầu hết các xã đều có trường học tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc đến trường.
Đặc biệt, từ năm 1981 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai việc dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Êđê từ lớp 3 đến lớp 5 tại một số trường tiểu học của vùng đồng bào và từ lớp 6 đến lớp 8 trong chương trình thực nghiệm tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của các huyện, thị xã, thành phố.
Riêng năm học 2011-2012, tỉnh đã có 88 trường, 487 lớp với trên 11.968 học sinh dân tộc theo học môn tiếng, chữ Êđê.
Tỉnh cũng đã đưa vào giảng dạy ở các trường tiểu học có học sinh dân tộc Êđê bộ sách giáo khoa mới môn tiếng Êđê bậc tiểu học. Tỉnh cũng tổ chức dạy tiếng, chữ cho cán bộ người dân tộc bản địa, cán bộ làm phong trào, phát động quần chúng ở các thôn buôn.
Tỉnh Đắk Lắk cũng nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản Từ điển Việt-Êđê, Êđê-Việt, đồng thời, bình quân mỗi năm, xuất bản 5 đầu sách về truyện cổ, lời nói vần, luật tục, nghi lễ, lễ hội, sử thi Êđê, M’nông.. .phát hành rộng rãi đến tận cơ sở và bổ sung vào kho tàng văn học dân gian của cả nước.
Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Đắk Lắk cũng tăng thời lượng, chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Êđê, M’nông. Cụ thể, hàng ngày, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã có 45 phút phát thanh, 25 phút truyền hình dân tộc Êđê. Các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã in các sách, tài liệu, tờ rơi bằng song ngữ Việt-Êđê phát đến các buôn làng.
Các quy ước thôn, buôn của đồng bào dân tộc Êđê, M’nông cũng đã được dịch ra song ngữ Việt-Êđê phát đến từng hộ gia đình để triển khai thực hiện.
Đài Tiếng nói Việt
Thông tấn xã Việt Nam cũng đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk xuất bản tờ tin, ảnh Dân tộc Miền núi bằng tiếng Êđê, với số lượng 4.000 số/kỳ chuyển đến từng thôn, buôn đồng bào dân tộc Êđê ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh lân cận...
Tuy nhiên, hiện tỉnh Đắk Lắk đang thiếu giáo viên dạy tiếng Êđê ở các trường tiểu học, trung học cơ sở. Tỉnh đã lập đề án tăng cường đào tạo thêm giáo viên, hỗ trợ thêm chế độ phụ cấp, trợ cấp... nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên gắn bó với công tác bảo tồn, lưu truyền, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào bản địa Êđê./.