Non nước Việt Nam

Nét văn hóa Chăm trong lễ cúng Chà Jà

Cập nhật: 12/06/2012 15:02:26
Số lần đọc: 1807
Trong đời sống xã hội của người Chăm, tộc họ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố tạo nên cấu trúc làng xã. Mỗi tộc có một tộc trưởng, là một phụ nữ đức độ, có uy tín với bà con tộc họ, và đặc biệt là phải thông hiểu các điệu múa lễ, được bà con trong tộc bầu lên.

Lễ cúng Chà Jà lớn

 

Người Chăm ở Tánh Linh theo đạo Hồi, nên ngoài các thầy Cả, thầy Mum, thầy Tiếp, thầy Trình, thầy Chang, thì còn có thầy Bóng, thầy Giỗ để trợ giúp trong các lễ cúng theo tập tục truyền thống của dân tộc.

 

Người Chăm có câu ngạn ngữ: “Knup ngak chà krư khinh mưng trà ngak kapô” (tạm dịch: muốn sum họp tộc họ, sinh con đẻ cháu thì làm Chà Jà; muốn giàu có thì cúng cho thánh Allah).

 

Những ngày đầu tháng 6 này, ở khu phố Chăm thị trấn Lạc Tánh, khắp nơi nô nức bàn tán về lễ cúng Chà Jà lớn (Rija Prong) tại nhà bà Thông Thị Nhẫn. Bà Nhẫn là tộc trưởng, nhưng do tuổi cao sức yếu, không thể múa được trong các nghi lễ quan trọng của tộc họ nên phải bầu người khác thay thế. Tộc trưởng mới là Thông Thị Phiếu, 33 tuổi, là cháu nội bà Nhẫn (người Kinh gọi là cháu ngoại gái). Người Chăm quan niệm, người làm tộc trưởng ngoài uy tín và đức độ thì nếu thuộc một trong ba tuổi thân, tý, thìn cũng sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho dòng tộc, nên chị Phiếu dù không phải là cháu lớn nhất vẫn được bầu. Để chuyển giao thế hệ, bà con trong tộc cùng nhau góp tiền của lại để làm lễ cúng Chà Jà. Người có gà thì góp gà, người có dê thì góp dê, ngoài ra còn góp rượu, góp tiền để trang trải các chi phí cúng giỗ và phục vụ ăn uống.

 

Phân biệt Chà Jà lớn và Chà Jà nhỏ

 

Lễ cúng Chà Jà không xích đu diễn ra từ 2 - 4 ngày, gọi là Chà Jà nhỏ. Lần này tộc họ của bà Nhẫn làm lễ cúng có xích đu, gọi là Chà Jà lớn, diễn ra trong 7 ngày 7 đêm liên tục. Ngày đầu tiên trong lễ cúng Chà Jà được gọi là ngày Dựng. Ngày Dựng không cúng, mà chỉ cất lều trại, tập hợp để chuẩn bị mọi việc cho các ngày cúng chính. Trong 3 ngày cúng quan trọng nhất, mỗi ngày người ta làm một con dê đực. Việc cắt cổ dê cũng phải theo đúng nghi thức. Đầu tiên phải làm lễ, hát rồi mới được giết. Ngoài ra, mỗi ngày còn làm thịt 12 con gà, chưa kể rất nhiều bánh trái và các món ăn truyền thống khác của người Chăm.

 

Thầy Mum 40 (dạng như một chức vụ) Thông Thương cho biết, trong mọi cuộc lễ, các thầy Mum, thầy Chang phải làm lễ trước theo nghi thức tôn giáo, sau đó thầy Giỗ mới chủ trì việc cúng giỗ theo đúng tập tục truyền thống của dân tộc.

 

Những nghi thức

 

Trong lễ Chà Jà, múa chiếm một vị trí quan trọng trong phần nghi thức cúng. Đệm cho lễ múa là 4 loại nhạc cụ: trống ghi-năng, trống ba-ra-nưng, kèn sa-ra-nai và chênh. Có tất cả 18 điệu múa, và người tộc trưởng luôn là người múa nhiều nhất. Thỉnh thoảng, những tiếng hê đồng giọng của đám đông cũng góp phần tạo nên không khí sôi động và hùng tráng của buổi lễ.

 

Lễ cúng Chà Jà là lễ cúng của dòng tộc, nhưng luôn được sự trợ giúp của cả cộng đồng. Thầy Mum 40 Thông Thương bảo, đây là lễ cúng không định kỳ, nên đôi khi phải năm, bảy mươi năm mới tổ chức một lần. Chỉ khi bầu lại Chì Nhần (Tộc trưởng) thì người ta mới làm Chà Jà xích đu, tức Chà Jà lớn, trong suốt 7 ngày liên tục. Những Chà Jà để cầu cho làm ăn phát đạt, tránh được bệnh tật… chỉ làm trong 2 ngày, và cũng vài năm mới có một lần. Có lẽ vì khó gặp, nên Chà Jà lần này thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng. Sự hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt. Các thầy Chang từ Ma Lâm cũng vượt hàng trăm cây số về dự. Trong suốt 7 ngày, người tộc trưởng hầu như múa liên tục. Đôi khi trong nghi lễ có cả các yếu tố gây cười, góp phần làm cho không khí lễ cúng trở nên vui nhộn và hào hứng. Dân làng nô nức kéo đến xem chen nhau đứng chật xung quanh khu hành lễ, nhưng hết sức trật tự. Đêm thứ 7, lễ cúng diễn ra suốt đêm, người tộc trưởng xem chừng đã mệt mỏi, hai mắt trĩu nặng, nhưng những bước chân vẫn dẻo dai trong các điệu múa.

 

Lễ cúng Chà Jà còn thể hiện được nét văn hóa phồn thực của người Chăm qua hai bức tượng nam nữ khỏa thân, gọi là hai ông Lo. Mỗi bước tượng được đặt trên một con thuyền gỗ, và tham gia trong lễ cúng với nghi thức nghiêm trang, tượng trưng cho lời khẩn cầu sự sinh sôi nẩy nở, mùa màng tốt tươi. Các động tác của hai bức tượng rất gợi mà không dung tục, vì nó là nét văn hóa tâm linh, được diễn ra trong không khí tôn nghiêm của lễ cúng.

 

Lễ cúng Chà Jà không đơn thuần là để cầu mong sự an vui, thịnh vượng cho gia tộc, mà còn cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với cộng đồng, với quốc gia dân tộc. Có lẽ vì vậy mà dù là lễ riêng của dòng tộc nhưng vẫn toát lên được lòng yêu nước thương nòi, sự nhân ái, tính hiền hòa của người Chăm, được cả cộng đồng quan tâm và trợ giúp. Những người ngoại tộc kéo về xem lễ cúng dường như cũng cảm nhận được sự may mắn sẽ đến với mình trong những lời khấn cầu đầy tình nhân ái của tộc chủ.

 

Niềm hạnh phúc

 

Ngày mai Chà Jà sẽ kết thúc. 7 ngày đêm liên tục đã lấy đi rất nhiều sức lực của những người tham gia lễ cúng, vậy mà lạ thay, sự tiếc nuối vẫn hiện rõ trên từng gương mặt. Chà Jà rất quan trọng trong đời sống của người Chăm, nhưng là lễ cúng khá tốn kém, lại không phải cứ muốn làm là được. Là lễ cúng của dòng tộc, nên Chà Jà còn là biểu hiện của tinh thần đoàn kết, của sự gắn bó trách nhiệm trong cộng đồng. Chà Jà ít gặp, và Chà Jà xích đu lại càng ít gặp hơn, nên với người Chăm, được hòa mình trong lễ cúng Chà Jà chính là niềm hạnh phúc mà đôi khi cả đời người chỉ có được một lần. Có lẽ vì vậy mà dù đêm đã khuya mà bên trong khu hành lễ những vũ điệu Chăm vẫn dẻo dai nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chênh, tiếng kèn rộn rã; những người đến xem vẫn đứng chật cả vòng trong vòng ngoài, và hầu như tất cả đều đã chuẩn bị cho một đêm linh thiêng và màu nhiệm kéo dài cho tới sáng./.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT