Non nước Việt Nam

Lưu giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc T’riêng ở Kon Tum

Cập nhật: 12/06/2012 16:55:09
Số lần đọc: 1814
Củi hứa hôn, một phong tục truyền thống của đồng bào T’riêng nói riêng và người Tây Nguyên nói chung đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Tây Nguyên. Khi người con gái bắt đầu được 9-10 tuổi mỗi khi đi rẫy, lên rừng kiếm củi, gùi nước cho gia đình, người mẹ không quên dặn con gái mình lựa chọn những cây dẻ tốt, to, thẳng để đốn, sau bó từng bó mang về để dưới sàn nhà.

Đó là củi hứa hôn của người T’riêng ở xã Đắk Dục huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Với người T’riêng cây dẻ là củi hứa hôn tốt nhất vì nó chắc, dễ đốt, lửa hồng…vì vậy ai cũng lên rừng tìm cây dẻ để làm củi hứa hôn.

Năm nay đã qua hơn 80 mùa rẫy, bà Y Nhót ở làng Đắk Ba cho biết: Ngay từ nhỏ bà đã được mẹ dặn phải lên rừng tìm củi dẻ về cất dưới sàn, đó là củi hứa hôn sau này. Ngày bà về nhà chồng, Y Nhót và mẹ đã cùng nhau lên rừng tìm được 100 bó củi to, đẹp mang về dựng khắp sàn nhà chồng. Cả làng ai cũng vui lây vì Y Nhót giỏi giang, chăm làm. Để đáp lễ, nhà trai cũng tổ chức mổ heo, gà để đãi cho những ai có công kiếm củi hứa hôn. Củi càng nhiều, công càng lớn.

Với người Triêng chỉ cần nhìn thấy củi thì có thể đánh giá được “công danh ngôn hạnh” của người con gái đó. Củi nhiều, đẹp tượng trưng cho sự đảm đang, chăm làm, giỏi giang như ong thợ vì vậy khi bắt đầu đến tuổi trưởng thành người con gái T’riêng rất chăm chút bó củi của mình. “Củi hứa hôn nhiều, đẹp còn liên quan đến quan niệm sau này người con gái đó sẽ có con. Đẻ được con to, khoẻ, được Yàng phù hộ”- bà Y Nhót nói. Củi hứa hôn thường dài 80cm, được cắt gọn, sau đó người con gái T’riêng còn tỉa chúng ra thành nhiều thanh nhỏ (nhưng không tách rời) để sau này khi mang về nhà chồng thì bố mẹ chồng chỉ cần tách ra là dùng.

Để giải quyết “mẫu thuẫn” giữa vi phạm lâm luật và lưu giữ phong tục tập quán hay, đẹp trên, cách đây 5 năm người T’riêng ở Đắk Dục đã có sáng kiến mở lối cho củi hứa hôn của mình. Theo đó, khi lấy chồng, người con gái T’riêng chỉ cần có 10-15 bó củi hứa hôn, có thể dùng cây bời lời. “Trồng bời lời dễ, ai cũng trồng. Bản thân giống được Nhà nước hỗ trợ. Nó không chỉ làm củi hứa hôn mà còn cho thu nhập khi chặt cây mang về có thể bán vỏ”, chị Y Hồng cho biết. Đến nay tất cả 11 thôn trong xã đã thống nhất dùng cây bời lời để làm củi hứa hôn cho người con gái. Việc trên cũng được đưa vào hương ước, quy ước của từng thôn làng.

Nhờ sáng kiến trên mà người con gái T’riêng giờ vừa biết làm giàu cho riêng mình vừa lưu giữ được nét văn hóa truyền thống dân tộc./. 

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT