Bắc Kạn bước vào mùa du lịch
Hiện nay, tại khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể, các mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo được ấn tượng với du khách đặc biệt là các du khách nước ngoài. Hiện nay ngoài thôn Pác Ngòi xã (Nam Mẫu, Ba Bể) thực hiện mô hình này, thì thôn Bó Lù nhiều hộ dân thực hiện mô hình và mang lại hiệu quả thiết thực, mô hình tiếp tục mở rộng sang các xã lân cận như Khang Ninh… Hiện toàn huyện Ba Bể có 36 cơ sở thực hiện mô hình thì 2 thôn Pác Ngòi và Bó Lù đã có 20 cơ sở.
Tại thôn Pác Ngòi, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được khám phá, trải nghiệm những điều thú vị trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Dù có sự giao thoa văn hóa và chịu ít nhiều tác động từ hoạt động du lịch nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống từ bao đời của đồng bào Tày Pác Ngòi vẫn được gìn giữ như một vốn quý. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm luôn được gìn giữ và tôn tạo như một minh chứng cụ thể cho nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống, dù gặp một chút khó khăn cho đầu ra nhưng vẫn được người dân lưu giữ. Sự tinh tế trong các họa tiết được làm thủ công tạo nên những sản phẩm độc đáo, chất lượng. Đặc biệt các đội văn nghệ bản sẵn sàng phục vụ du khách những giai điệu truyền thống. Đây là một hình thức góp phần tự gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, vừa quảng bá nét hấp dẫn của làn điệu dân ca độc đáo của các dân tộc trên địa bàn.
Bằng các phương tiện đơn giản như đi thuyền độc mộc, đi bộ… du khách được khám phá các hang động kỳ ảo như động Hua Mạ, động Puông, đi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể… hoặc có thể trải nghiệm thú vị khi xuyên qua các tán từng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, nguyên sơ với những cây cổ thụ ngàn năm tuổi hằn bao lớp bụi thời gian; những ghềnh đá cheo leo; hoặc dọc theo triền sông Năng thăm các bản nhỏ bình dị nép mình bên dòng sông với những triền ngô màu mỡ; thưởng thức các món ăn dân dã như cá nướng, cơm lam, tôm chua, cá chua, ngô nếp nương căng mẩy và say trong điệu lượn câu, sli, cũng rượu ngô men lá…
Hiện nay các hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng với sự tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ từ Dự án 3PAD đã được tập huấn về cách phục vụ du khách, xây dựng thực đơn, giá cả hợp lý, tổ chức lưu trú, vệ sinh môi trường sinh thái… nhằm mục đích tạo cho người dân biết cách làm loại hình du lịch cồng đồng. Ngoài giúp người dân phục vụ tốt du khách, thì đây cũng là một hình thức quan trọng thu hút khách du lịch. Đặc biệt từ mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc nâng cao đời sống của nhân dân thì đây là một hình thức quan trọng trong công tác bá du lịch, cũng như văn hóa, lịch sử của Bắc Kạn đến khắp mọi miền.
Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên nên sản phẩm du lịch của các tỉnh khu vực Việt Bắc có nhiều nét chung. Cả 6 tỉnh đều lựa chọn du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử làm thế mạnh.
Hiện nay tại khu du lịch hồ Ba Bể, du khách ấn tượng với tuyến du lịch đường thủy. Từ hồ Ba Bể ngược sông Năng sang thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), rồi ngược sông Gâm đến với Hà Giang. Du khách tham gia tuyến du lịch này có những trải nghiệm thú vị và đặc biệt. Du khách thưởng thức không khí trong lành của núi rừng Việt Bắc, bồng bềnh trong cảnh lãng mạn của sông hồ, lãng đãng trong màn sương mờ khi hoàng hôn buông xuống và thả hồn mình trong gió rừng, cùng tiếng thác chảy, tiếng gà rừng tìm bạn, cũng chiêm ngưỡng nền văn hóa đa sắc màu của các dân tộc vùng Việt Bắc… ngoài ra tỉnh Bắc Kạn sẽ mở rộng xây dựng các tua tuyến liên vùng như tuyến du lịch sinh thái thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao (Cao Bằng)- hồ Ba Bể. Đồng thời liên kết với các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Thái Nguyên kết nối du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử…
Theo số liệu thống kê của Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở văn hóa, Thể thao, Du lịch Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn ước đạt 107.000 lượt trong đó khách nội địa là 102.500 lượt, khách quốc tế là 4.500 lượt, hiệu suất sử dụng phòng buồng đạt 46%. Đó là những tín hiệu vui cho những người làm du lịch Bắc Kạn. Tuy nhiên, để du lịch Bắc Kạn phát triển tương xứng với tiềm năng và phát huy được tính bền vững rất cần sự vào cuộc của các cấp ngành đặc biệt trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ cũng như hình thức quảng bá, thu hút đầu tư./.