Ninh Bình: Ưu tiên phát triển công nghiệp không khói
Tuy nhiên, cho rằng sự phát triển như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, Ninh Bình đang triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể để đưa ngành du lịch thực sự trở thành thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khách du lịch thăm Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (thuộc địa bàn xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Ảnh: Hùng Hương |
Nỗ lực vươn mình trong giảm phát
Khi đến Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động hay Khu du lịch sinh thái Tràng An, chúng tôi chứng kiến những chủ thuyền tay dẻo dai khua mái chèo, miệng tươi cười giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa những Động Tiên, Động Thủy, hang Luồn, hang Bốn Cô, Đền Trần… Cuộc chuyển dịch kinh tế kỳ vĩ trên địa bàn tỉnh đã biến hàng nghìn người nông dân các xã: Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân (thuộc huyện Hoa Lư), Gia Sinh, Gia Vân, Gia Tân (thuộc huyện Gia Viễn)… trở thành những nhân viên du lịch - dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, nay tỷ trọng nông, lâm nghiệp Ninh Bình chỉ còn chiếm khoảng 15%. Đó là một xu thế chuyển dịch tích cực, cần thiết và bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, ông Trịnh Xuân Hồng nói rằng, sau 20 năm tái lập, du lịch Ninh Bình đã tạo được bước phát triển dài. Từ chỗ chưa tạo được nhiều ấn tượng với du khách, đến nay, Ninh Bình đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Bên cạnh việc phát triển các điểm đến du lịch trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, sinh thái và tâm linh, Ninh Bình cũng quan tâm tới việc khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. “Khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở lưu trú du lịch với 58 phòng ngủ. Đến nay, toàn tỉnh có 244 cơ sở lưu trú với 3.564 phòng nghỉ và 4.543 giường. Trong số ấy có 26 cơ sở lưu trú được công nhận đạt hạng từ 1 đến 2 sao, chiếm 11,6% tổng số lưu trú hiện có”, Giám đốc Trịnh Xuân Hồng nói.
Cơ sở hạ tầng phục vụ du khách phát triển đã mang lại sức vươn mạnh mẽ cho du lịch Ninh Bình trong suốt 20 năm qua. Từ năm 2001 đến năm 2008, tốc độ phát triển du lịch bình quân của Ninh Bình luôn đạt mức 20%. Năm 2009, lượng du khách đến Ninh Bình đạt 2,4 triệu lượt, năm 2010 đạt 3,3 triệu lượt, năm 2011 đạt 3,247 triệu lượt, tăng 35,2% so với năm 2009. Kéo theo đó, doanh thu từ du lịch năm 2009 đạt 251 tỷ đồng, năm 2010 đạt 550 tỷ đồng, năm 2011 đạt 655 tỷ đồng, tăng 161% so với năm 2009.
Từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều lĩnh vực kinh tế - thương mại - dịch vụ trong nước đang bị giảm phát, tuy nhiên theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, trong quý I năm nay, lượng du khách đến với Ninh Bình đạt hơn 1,8 triệu lượt người, tăng 122,18% so với cùng kỳ năm 2011. Về doanh thu, 3 tháng đầu năm, du lịch Ninh Bình đã tăng xấp xỉ 124% so với cùng kỳ năm 2011, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước cũng tăng xấp xỉ 124%.
Những con số thống kê tưởng chừng khô khan nhưng lại có ý nghĩa quan trọng. Đó là tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn tỷ lệ tăng trưởng số lượt du khách, điều đó thể hiện du lịch Ninh Bình đã phát triển về chất lượng và hiệu quả. Hay nói cách khác, du lịch Ninh Bình đã phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn.
Bước chạy tạo đà để… cất cánh!
Phấn khởi với những con số ấn tượng đã đạt được của ngành du lịch Ninh Bình, nhưng Giám đốc Trịnh Xuân Hồng cũng thẳng thắn thừa nhận những rào cản khiến du lịch Ninh Bình chưa thực sự mang tầm vóc đáng có. Cụ thể, nguồn nhân lực du lịch Ninh Bình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch truyền thống đã bị bão hòa, những sản phẩm du lịch mới lại bị trùng lặp so với những sản phẩm du lịch truyền thống. Sự phát triển quá nóng tại một số khu du lịch, điểm du lịch mới, khách đến quá đông trong khi cơ sở dịch vụ chưa đầy đủ, chất lượng thấp… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của du lịch Ninh Bình. Trong khi đó, trên thế giới và cả trong nước, sự cạnh tranh thu hút du khách ngày càng gay gắt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn khủng hoảng và đòi hỏi của du khách về chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh Ninh Bình nói chung và ngành du lịch Ninh Bình nói riêng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch Ninh Bình cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp Ninh Bình phát triển bền vững hơn và không phải lệ thuộc quá nhiều vào những nguồn tài nguyên hữu hình.
Về mặt nhân lực, Ninh Bình đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực du lịch. “Từ năm 2009 đến năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đại học Hoa Lư đào tạo 466 sinh viên có trình độ trung cấp du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tới đây, Ninh Bình sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề mang tính chuyên nghiệp cho những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch. Đến năm 2015, ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu tạo ra từ 8000 đến 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hơn 20.000 lao động có thu nhập gián tiếp từ du lịch” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình Trịnh Xuân Hồng nói.
Về sản phẩm du lịch, Ninh Bình cũng đang triển khai nâng cấp và làm mới lại các sản phẩm dịch vụ du lịch Ninh Bình. Mục tiêu được Ninh Bình đưa ra và nhắc tới trong nhiều bản báo cáo, tổng kết và định hướng công tác trong lĩnh vực du lịch là tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, riêng có của Ninh Bình để tạo ấn tượng sâu sắc với du khách. Khi du khách thực sự hài lòng với chất lượng sản phẩm du lịch Ninh Bình, họ sẽ dễ dàng quay trở lại và chính họ sẽ trở thành những người quảng bá hiệu quả nhất cho du lịch Ninh Bình tới người thân và bạn bè.
Không thụ động ngồi chờ du khách, Ninh Bình đang triển khai nhiều chương trình xúc tiến du lịch rầm rộ để quảng bá hình ảnh tới du khách. Ngoài những hoạt động quảng cáo, tuyên truyền truyền thống, Ninh Bình đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến qua những kênh hiện đại khác. Theo nguồn tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh), Ninh Bình vừa tổ chức 2 chương trình quảng bá, giới thiệu điểm đến và gặp gỡ các đối tác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Những chương trình này bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt.
Nếu đạt được mục tiêu đến năm 2015, có khoảng 30.000 lao động được tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp từ du lịch, đó sẽ là thành công không nhỏ trong nỗ lực giữ lại màu xanh nguyên sơ cho con cháu mai sau của Ninh Bình. Mong rằng Ninh Bình sẽ thành công trong việc chuyển hướng phát triển kinh tế, đưa du lịch thành ngành kinh tế “đầu tàu”. Khi ấy, “đoàn tàu không khói” Ninh Bình sẽ trở thành một biểu tượng thật sự đẹp đẽ và trường tồn./.