Tuyên Quang: Bảo tồn khẩn cấp các di sản văn hóa phi vật thể
Nguy cơ mai một
Tuyên Quang còn lưu giữ được giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của các dân tộc như làn điệu Then, Cọi, Quan làng của dân tộc Tày; Páo dung của dân tộc Dao; Sình ca của dân tộc Cao Lan; Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ rước mẫu ở thành phố Tuyên Quang; lễ hội đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn), lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình); lễ cấp sắc của dân tộc Dao...
Tuy nhiên, văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp. Đối với làn điệu Then trước cơ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng cũng đang đối mặt với sự mai một, khi mà thế hệ trẻ chưa có được một ý thức rõ ràng. Do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường và chưa làm tốt công tác bảo tồn nên nhiều vốn văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang có nguy cơ biến mất. Ngôn ngữ, đặc biệt là chữ viết của các dân tộc thiểu số đến nay hầu như không còn; tiếng nói của các dân tộc ở một số địa phương đã “mất gốc”. Đây thực sự là rào cản lớn trong việc bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
Nhiều câu truyện cổ dân gian không được ghi chép lại mà chủ yếu được truyền miệng từ những người cao tuổi, cho đến khi người cao tuổi mất đi thì những câu truyện cổ ấy không còn nữa. Tiếng nói của các dân tộc là linh hồn để bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, tổ chức các lễ hội nhưng thực tế nhiều nơi không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình. Điển hình là xã Minh Thanh (Sơn Dương) có hơn 70% dân số là dân tộc Tày nhưng đến nay đa số không nói được tiếng mẹ đẻ; xã Tân Trào, Trung Yên, Bình Yên (Sơn Dương) và một số xã của huyện Yên Sơn có nhiều đồng bào dân tộc Tày nhưng khả năng nói tiếng mẹ đẻ, nhất là của lớp trẻ là rất hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn giá trị văn hóa, trong đó có làn điệu Then cổ.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số người hát được làn điệu Then cổ hiện nay rất ít, chủ yếu là ở các nghệ nhân mà số nghệ nhân dân tộc Tày cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó tuổi đều đã cao. Người Cao Lan ở xã Phú Lâm, Nhữ Hán, Nhữ Khê (Yên Sơn)... phần lớn không còn nói được tiếng của dân tộc mình và họ thực sự lạ lẫm với làn điệu Sình ca, những điệu múa truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức.
Một số phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cưới cũng đang dần mất đi như vai trò của ông Quan làng và bà Gia hạp trong đám cưới của người Tày; lễ rước dâu của dân tộc Dao, dân tộc Mông... hiện nay đều làm theo nghi thức phổ thông. Trong các đám cưới không còn thấy hát Quan làng, hát Páo dung... như ngày xưa nữa.
Phải khẳng định, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ dân gian. Nơi nào có các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ thì nơi đó văn hóa truyền thống của các dân tộc có sức sống mạnh mẽ. Nhưng chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân hiện nay là không có gì. Vì tình yêu vốn văn hóa của dân tộc mình cháy bỏng mà các nghệ nhân đã bền bỉ nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa với ước mong truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau.
Nguy cơ văn hóa phi vật thể của các dân tộc bị mai một còn do tư duy của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền về công tác này. Nhiều người cho rằng đầu tư cho văn hóa phi vật thể không thấy hiệu quả, vô ích, lãng phí. Hậu quả của tư duy như vậy làm cho di sản văn hóa ngày càng bị mai một thêm. Việc khôi phục lại một số lễ hội theo một “kịch bản lễ hội” nên rất xa lạ với người dân, hiệu quả mang lại thấp, làm cho nhiều nhà quản lý... nản.
Giải pháp bảo tồn khẩn cấp
Đặc biệt, nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn đang có nguy cơ mai một, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND, ngày 11-5-2011 về kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30-6-2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Theo đó, trong năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Yên Sơn và Chiêm Hóa tiến hành kiểm kê văn hóa phi vật thể tại 31 xã, thị trấn. Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
Trên cơ sở kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2011 của các dân tộc Cờ Lao, Pà Thẻn, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay ngành Cao Lan và dân tộc Kinh trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập danh sách lựa chọn 21 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc này đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Loại hình tập quán xã hội 10 di sản; loại hình lễ hội truyền thống 1 di sản; loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian 9 di sản; loại hình tri thức dân gian 1 di sản. Đồng thời, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận các di sản trên là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2012, việc kiểm kê tiếp tục được thực hiện ở các xã còn lại của huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và các xã, thị trấn của huyện Lâm Bình, Nà Hang.
Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc cần thực hiện tốt một số nguyên tắc. Đối với di sản văn hóa truyền thống, một trong những nguyên tắc cần phải quan tâm đó là tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép lại các dạng thức văn hóa, những kỹ năng, những tri thức do nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật hay chế tác sản phẩm bằng việc ghi chép, ghi âm, ghi hình.
Tuy nhiên, việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ các ấn phẩm, băng hình, đĩa tiếng, trưng bày ở bảo tàng, sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống, mà quan trọng hơn là lưu giữ trong môi trường sản sinh ra chúng. Nguyên tắc này gọi là bảo tồn sống. Tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Một loại hình di sản văn hóa phi vật thể được coi là thành công trong việc lưu giữ khi tồn tại sống động trong cuộc sống cộng đồng xã hội, được cộng đồng chấp nhận và đón nhận nhiệt tình.
Văn hóa phi vật thể tồn tại sâu đậm trong trí nhớ của mỗi nghệ nhân. Do đó, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị với UBND tỉnh có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các nghệ nhân, tôn vinh các nghệ nhân có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đưa văn hóa phi vật thể, trọng tâm là các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học ở vùng sâu, vùng xa./.