Hoạt động của ngành

Tạo sức bật cho du lịch Hạ Hòa – Phú Thọ

Cập nhật: 15/06/2012 16:58:40
Số lần đọc: 2689
Với các điều kiện về tự nhiên, xã hội, nhân văn, Hạ Hòa  là huyện có tiềm năng để  phát triển du lịch. Phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị du lịch – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là mục tiêu mà Hạ Hòa đang hướng tới. Song, để biến tiềm năng thành lợi thế đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu.

Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của tỉnh, huyện Hạ Hòa có nhiều danh lam, thắng cảnh và các khu di tích lịch sử, văn hóa gắn với những truyền thuyết thời dựng nước của dân tộc. Xác định đây là thế mạnh, huyện Hạ Hòa đã có  kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh. Đây cũng là một trong những khâu đột phá được  Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định: Du lịch dịch vụ là một ngành kinh tế mũi nhọn được ưu tiên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thực hiện định hướng này, Hạ Hòa đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phấn đấu nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút khách du lịch.

Từ lâu, Hạ Hòa được biết đến với ba điểm du lịch khá nổi tiếng - đó là đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Ao Giời-Suối Tiên và đầm Ao Châu. Các địa danh này đã được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Nổi bật trong các điểm du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh đó là đầm Ao Châu. Có nhiều yếu tố liên quan đến truyền thuyết về Vua Hùng thứ 16, đầm Ao Châu là khu hồ rộng thuộc thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ, Phụ Khánh với hơn 100 hòn đảo nhỏ và 99 ngách đan cài giữa các khe núi. Mặt hồ trong xanh khiến nơi đây càng trở nên hấp dẫn với các loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi. Hay danh thắng Ao Giời-Suối Tiên nhiều năm gần đây đã có mặt trong các tour du lịch của nhiều hãng lữ hành. Khởi nguồn với hai dòng suối và thác nước bắt nguồn từ hai ngọn núi cao của dãy núi Nả thuộc xã Quân Khê, Suối Tiên như một dải lụa mềm vắt ngang núi rừng. Cũng bắt nguồn từ một dòng suối từ đỉnh núi Nả chảy xuống, Ao Giời là quần thể các thác nước và ao sâu với các tên gọi đậm mầu huyền thoại: Thác Bụt, ao Cánh Tiên, vực Xanh…

Điểm du lịch tâm linh ở Hạ Hòa đã được nhiều du khách trong nước và nước ngoài biết đến là đền Mẫu Âu Cơ - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã Hiền Lương gắn với truyền thuyết của mẹ Âu Cơ. Hàng năm, không chỉ vào dịp lễ hội mùng 7 tháng giêng, mà quanh năm rất đông đồng bào và khách du lịch tìm về nơi đây để tri ân Tổ Mẫu và khám phá các giá trị tâm linh tiềm ẩn. Ngoài ra, Hạ Hòa còn có hàng chục di tích được tỉnh xếp hạng như: Đền Nguyễn (xã Vụ Cầu), đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ), đình Trắng (xã Hậu Bổng), đền Thượng (xã Đan Thượng)…Chiến khu Vần-Hiền Lương, di tích chiến khu 10… hình thành các tour, tuyến du lịch văn hóa, tâm linh và nghiên cứu lịch sử.

 

Nhận thấy những điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, huyện Hạ Hòa đã xây dựng quy hoạch chi tiết khu du lịch đền Mẫu Âu Cơ, triển khai dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục di tích, đáp ứng yêu cầu hoạt động của lễ hội và bước đầu kết nối điểm du lịch tâm linh đền Mẫu Âu Cơ với các điểm du lịch sinh thái Ao Giời-Suối Tiên và đầm Ao Châu. Cùng với triển khai xây dựng các hạng mục công trình khu du lịch Đền Mẫu Âu Cơ, tuyến đường Hiền Lương đi Ao Giời - Suối Tiên và một số tuyến đường giao thông vùng phụ cận, huyện còn phối hợp với Sở VH-TT&DL tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển khu du lịch đầm Ao Châu, đầm Vân Hội. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết về đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nhiều dự án đã được  triển khai thực hiện trong thời gian qua: Khu du lịch đền Mẫu Âu Cơ, chùa Linh Phúc, Khu du lịch Đầm Ao Châu (thị trấn Hạ Hòa), Khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên và một số điểm, khu du lịch khác ...

Từng bước đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế, Hạ Hòa đã dần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch – dịch vụ. Giá trị du lịch và dịch vụ trong những năm gần đây chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong cơ cấu ngành thương mại-du lịch-dịch vụ; số lượt khách du lịch năm sau cao hơn năm trước.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đánh giá một cách khách quan thì phát triển du lịch của Hạ Hòa vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tạo được bước đột phá. Lượng khách du lịch hàng năm tăng chưa nhiều và chủ yếu mới là khách du lịch tâm linh hành hương vào các dịp lễ hội; khách tham quan, du lịch sinh thái còn ít. Dịch vụ du lịch còn mang tính tự phát, chất lượng chưa cao, nên lượng khách lưu trú rất ít và các cơ sở lưu trú chưa chất lượng. Mặt khác, hoạt động du lịch của huyện chưa có sự liên kết để hình thành được các tour, tuyến du lịch cụ thể; dịch vụ du lịch chưa có sự kết hợp với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các cơ sở kinh doanh du lịch chưa được đầu tư phát triển có quy mô mà vẫn dàn trải, manh mún, chưa theo quy hoạch để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức triển khai phát triển du lịch chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ phận cán bộ và nhân dân về du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa thực sự thông suốt, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển du lịch, dẫn đến xã hội hóa hoạt động du lịch còn hạn chế.

Từ việc xác định tiềm năng và nhìn nhận những hạn chế trong phát triển du lịch, Hạ Hòa xác định phải phát huy các lợi thế về tự nhiên và văn hóa truyền thống; kết hợp du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giá trị văn hóa lịch sử cách mạng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; gắn phát triển du lịch với mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Theo đó, huyện đã từng bước nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của nhân dân, coi du lịch là bước chuyển, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh trong phân công lao động xã hội, chuyển lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch – dịch vụ. Đào tạo đội ngũ, nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về du lịch và trình độ cán bộ, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch song song với việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ về văn hóa ứng xử, bảo vệ môi trường và nhất là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cho cán bộ ngành văn hóa của huyện để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, huyện đã và đang khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới và gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Cùng với việc thực hiện quy hoạch, huyện Hạ Hòa cũng đã có giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Hạ Hòa đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi, dành quỹ đất, huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển du lịch, dịch vụ.  Các địa phương có điểm du lịch tăng cường việc liên kết giữa hoạt động du lịch với các hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng truyền thống, để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp trên đây chắc chắn du lịch Hạ Hòa sẽ tạo được bước đột phá mới để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu phân công lao động và nâng cao đời sống người dân./.

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục