Hoạt động của ngành

Điện Biên liên kết xây dựng sản phẩm du lịch vùng

Cập nhật: 13/06/2012 16:11:24
Số lần đọc: 1877
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình liên kết du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng, lượng khách đến khu vực tăng đáng kể, trung bình tăng 10%, có tỉnh tăng 33%/năm. Riêng năm 2011, các tỉnh trong khu vực đã thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt khá. Các tỉnh đã thu hút trên 30 doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát vòng cung du lịch Tây Bắc. Điều đáng nói là trong quá trình hợp tác, các sản phẩm du lịch chung của vùng cũng dần hình thành, mang lại diện mạo mới cho du lịch Tây Bắc.

Hình thành sản phẩm du lịch vùng

Với địa hình hùng vĩ, có nhiều khu rừng nguyên sinh như: Vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng; vùng Tây Bắc cũng có nhiều điểm cao trên 1.000m với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều hang động và nhiều suối nước nóng... thích hợp để phát triển nhiều loại hình du lịch. Đặc điểm đa dân tộc với văn hóa độc đáo, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và các sản phẩm thủ công hấp dẫn là những yếu tố thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Bắc. Quá trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, đã có một số sản phẩm du lịch vùng được hình thành, như: Lào Cai với dấu ấn từ Sa Pa và các phiên chợ vùng cao; Yên Bái với ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Điện Biên với các điểm di tích và văn hóa độc đáo của dân tộc Thái, Mông; Sơn La với Mộc Châu hoang sơ, hấp dẫn...

Thực hiện kế hoạch hành động hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010 - 2015, ở lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch, các tỉnh thống nhất sẽ tổ chức thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch để lựa chọn những mẫu sản phẩm lưu niệm mới mang bản sắc dân tộc của khu vực và các địa phương. Các tỉnh phối hợp tổ chức hội thi phát triển ẩm thực dân tộc nhằm khai thác văn hóa ẩm thực độc đáo của nhân dân các dân tộc Tây Bắc phục vụ khách du lịch. Trước mắt, trong năm 2012, các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển và khai thác sâu các mô hình du lịch cộng đồng mang tính chất đặc trưng gắn với văn hóa dân tộc và các điểm du lịch đặc thù như: Du lịch cộng đồng Điện Biên gắn với di tích lịch sử; du lịch cộng đồng các dân tộc: Mông, Dao, Giáy gắn với các làng nghề…

     Xây dựng sản phẩm du lịch từ thế mạnh lịch sử

So với các tỉnh vùng Tây Bắc, Điện Biên có lợi thế là điểm di tích lịch sử được nhiều người biết đến và hệ thống giao thông tương đối thuận tiện, gồm cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy (trong tương lai). Điện Biên có thể đón khách quốc tế từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang và có thể trực tiếp tiếp cận hai thị trường khách quốc tế là Lào và Trung Quốc và gián tiếp là lượng khách quốc tế quá cảnh trung chuyển giữa các nước Đông Nam Á với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trên thực tế, lượng khách đến Điện Biên đã tăng đều qua các năm. Riêng năm 2011, tỉnh đón 355.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 16,3% so với năm 2010. Trong đó lượng khách quốc tế ước khoảng 64.000 lượt người, tăng 23% so với năm 2010. Song phải thừa nhận rằng, lượng khách đến và lưu trú ở Điện Biên còn khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực. Hạn chế này ngoài nguyên nhân từ hạ tầng du lịch, nhân lực và chất lượng phục vụ còn có nguyên nhân cơ bản là ít sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Để giữ chân du khách và phát triển các điểm tham quan mới, tỉnh đã quan tâm loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái tại khu du lịch Pá Khoang, huyện Điện Biên (gần điểm di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng); du lịch cảnh quan dọc sông Đà; du lịch sinh thái, mạo hiểm đến khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với điểm cực tây A Pa Chải (nơi tiếp giáp 3 nước Việt - Trung - Lào).

Điện Biên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ năm 2008 với chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020. Đề án quy hoạch du lịch này cũng đã xác định vùng, điểm hình thành du lịch và sẽ triển khai thành quy hoạch chi tiết. Do có quy hoạch sớm nên khu du lịch lịch sử tại thành phố Điện Biên Phủ và vùng lân cận trong khu vực lòng chảo không bị ảnh hưởng. Còn các khu vực bên ngoài như: hang động Pa Thơm, nước nóng U Va, khu sinh thái nước nóng Bản Sáng cũng chưa bị tác động nhiều về môi trường và đang thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch theo chuyên đề. Từ quy hoạch này, tỉnh sẽ hình thành các khu du lịch, kêu gọi thu hút đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách./.

Nguồn: website báo Điện Biên

Cùng chuyên mục