Quang Bình (Hà Giang) tập trung phát triển du lịch cộng đồng
Bởi ở đó, khách du lịch được ngắm những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, và được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống dân tộc. Nắm bắt được những nhu cầu đó trong những năm qua huyện Quang Bình đã và đang tập trung xây dựng, khuyến khích nhân dân phát triển loại hình du lịch làng bản, hay còn gọi là du lịch cộng đồng, du lịch nhân dân.
Nói về loại hình du lịch này ở huyện Quang Bình không thể không nhắc đến thôn My Bắc, xã Tân Bắc với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn và thôn Chì, xã Xuân Giang với những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Tày. Đây là những thôn bản được thiên nhiên ưu đãi, có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu trong lành mát mẻ. Nên ngay từ những năm đầu thành lập thôn My Bắc và thôn Chì đang được đông đảo các du khách trong và ngoài nước biết đến.
Ngoài việc coi trọng bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng các làng văn hóa hiện nay huyện Quang Bình tập trung chỉ đạo khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đây là một trong những thế mạnh của người dân nơi đây. Các thôn đang thực hiện dự án khôi phục làng nghề truyền thống đã góp phần tạo ra những sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu với họa tiết, hoa văn đa dạng, được du khách ưu chuộng. Và một trong những “bí quyết” níu chân du khách chính là hình ảnh những chàng trai, cô gái Tày và Pà Thẻn duyên dáng, dịu dàng trong những bộ trang phục dân tộc biểu diễn trong các buổi hoạt động văn hóa dân gian, giúp du khách cảm nhận được hơi ấm trong tình đất, tình người của người dân nơi đây… Chính từ nét riêng trong hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng mà thôn My Bắc và thôn Chì đã nổi tiếng với du khách thập phương.
Cũng như xã Tân Bắc, và Xuân Giang, hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện Quang Bình đã và đang hình thành mô hình du lịch làng bản. Từ nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày, Pà Thẻn và La Chí, kiến trúc nhà sàn, cọn nước, những hoa văn trang trí độc đáo trên trang phục người phụ nữ, rồi những cảnh quan kỳ thú từ động tiên thôn ĐồngTâm xã Yên Thành… đã gợi nên sức hấp dẫn với du khách.
Theo ý kiến của những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch cho biết: "Loại hình du lịch cộng đồng ngoài việc đem lại lợi ích cho ngành du lịch còn đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân. Trước hết người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách mà nguồn thu đó lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi khi du lịch phát triển sẽ tạo được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, thu hút các nhà đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin, y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn tạo được công ăn việc làm, giao lưu văn hóa, nhất là ý thức xã hội về bảo tồn những giá trị văn hóa được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là phương thức hữu hiệu phát triển KT – XH, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc".
Việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ tạo thêm sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn cho du khách mà đã đem lại bộ mặt đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản cũng như sự nhận thức của cán bộ và người dân về việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế. Qua đó, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên phục vụ cho du lịch từng bước được hình thành, củng cố. Đến nay, nhiều hộ gia đình không chỉ ở các làng văn hóa du lịch cộng đồng mà ở nhiều làng văn hoá khác cũng đã chủ động và tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: Cải tạo nhà ở, mua sắm các trang thiết bị tối thiểu để phục vụ khách thăm quan du lịch. Thông qua các lớp tập huấn, người dân trong các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã có được những kỹ năng cơ bản về phục vụ, khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và bước đầu đã thu hút được lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú.
Với ý nghĩa đó, trong những năm qua huyện Quang Bình đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú để phục vụ khách tham quan. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 4 nhà nghỉ, 1 nhà khách và 20 nhà lưu trú tại 2 làng du lịch cộng đồng, với tổng số 90 phòng nghỉ, 120 giường. Nhìn chung chất lượng các dịch vụ bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của du khách. Để phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng, huyện Quang Bình còn có các cơ chế, chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ kinh phí cho các làng văn hóa du lịch cộng đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn và cho mỗi hộ tham gia làm du lịch vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội để tu sửa nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết trong gia đình để phục vụ khách du lịch.
Trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch làm tốt công tác quản lý giá cả các dịch vụ phục vụ khách, công tác khai báo tạm trú đối với khách trong nước và quốc tế và tham mưu cho huyện, xây dựng quy hoạch làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thành lập được các đội văn nghệ dân gian phục vụ khách tham quan. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của các làng văn hóa du lịch cộng đồng, UBND huyện đã chỉ đạo 2 xã Tân Bắc, Xuân Giang thành lập Ban quản lý các làng văn hóa du lịch cộng đồng, hướng dẫn công tác chỉnh trang, tu sửa nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, mua sắm các đồ dùng thiết yếu và bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc, khai thác và phát huy khả năng chế biến các món ăn dân tộc truyền thống. Hiện nay, về cơ bản cả 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chì và My Bắc đều đáp ứng việc phục vụ khách tham quan các làng, tổ nghề truyền thống, các danh lam thắng cảnh, biểu diễn và giao lưu văn nghệ dân gian truyền thống, chế biến các món ăn đặc sản của từng dân tộc phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Theo số liệu báo cáo của Ban quản lý các làng văn hóa du lịch cộng đồng, chỉ tính trong năm 2011, lượng khách tham quan, du lịch đến với làng Chì và làng My Bắcvới trên hàng nghìn lượt người. Doanh thu từ nhà nghỉ, văn nghệ, dịch vụ ăn uống và sản phẩm lưu niệm của mỗi xã đều đạt vài trăm triệu đồng. Tuy đã có bước phát triển đáng kể, song quy mô du lịch vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn toàn huyện vẫn còn những hạn chế do sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng ở mức độ nhất định, công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế , cơ sở hạ tầng còn khó khăn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Để phát triển được du lịch cộng đồng, cần phải có sự chung tay góp sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng quy hoạch, đầu tư kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó không thể không có vai trò của chính người dân trong việc bảo tồn, khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên cũng như phát huy giá trị văn hóa dân tộc để tạo nên những nét riêng biệt và tạo được những dấu ấn đặc trưng đối với du khách.
Với mục tiêu đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Quang Bình đã và đang tạo mọi điều kiện và cơ hội thuận lợi bằng cơ chế thông thoáng, ưu đãi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về du lịch, làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm về du lịch, vận động nhân dân tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng, xây dựng các làng du lịch sinh thái và nếp sống văn minh du lịch trong cộng đồng dân cư. Với những biện pháp đó trong thời gian tới, huyện Quang Bình sẽ có được diện mạo mới, cùng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, góp phần giải quyết việc làm và tạo ra chuyển dịch mới về cơ cấu kinh tế của huyện.